Bí mật những thiết kế máy bay - tàu ngầm Nga, Mỹ
Một cỗ máy tác chiến vừa có tính năng của một chiếc máy bay, vừa có tính năng của một chiếc tàu ngầm sẽ là đối thủ không thể đánh bại của bất cứ loại tàu chiến mặt nước nào.
Trên thực tế, ý tưởng kết hợp máy bay với tàu ngầm để cho ra đời một chiếc tàu ngầm bay đã xuất hiện từ những năm 30 của thế kỷ trước.
Người đầu tiên đề xuất ý tưởng như vậy là Boris Petrovich Ushacov, học viên năm thứ 2 Trường Công binh Hải quân Liên Xô tại Leningrad. Năm 1934, Ushacov đã hoàn thành bản vẽ thiết kế đầu tiên của mình và trình bày bản vẽ trong một hội thảo tại trường. Sau đó, Ushacov tiếp tục hoàn thiện ý tưởng của mình. Bản thiết kế của ông đã được xếp vào loại tài liệu mật của trường.
Năm 1935, Ushacov nhận được bằng chứng nhận bản quyền. Tháng 4/1936, bản thiết kế của ông đã được gửi lên Ủy ban Nghiên cứu khoa học Quân sự và Học viện Hải quân Liên Xô.
Ý tưởng cùng bản vẽ thiết kế của Ushacov đã nhận được sự ủng hộ và tán thành của nhiều tướng lĩnh hải quân cũng như Ủy ban Nghiên cứu khoa học Quân sự Liên Xô.
Tuy nhiên, vì một lý do nào đó mà việc hiện thực hóa bản vẽ đã không được chú tâm. Ushacov không nản chí và tiếp tục làm việc độc lập để phát triển ý tưởng cũng như hoàn thiện bản vẽ của mình từ năm 1937-1938.
Cuối cùng, một chiếc máy bay-tàu ngầm cũng được thành hình. Theo thiết kế, cỗ máy vừa có thể bay, vừa có khả năng lặn sâu dưới nước này có tổng khối lượng lên tới 15 tấn. Chiếc máy bay-tàu ngầm của Ushacov có một số tính năng kỹ-chiến thuật chủ yếu sau: Kíp lái 3 người; tốc độ bay 200 km/h; tầm bay 800 km/h; trần bay 2,5 km; 3 động cơ AM-34 1.200 mã lực.
Có khả năng hoạt động trong điều kiện biển động cấp 4-5; Tốc độ dưới nước 4-5 dặm/h (6,5-8 km/h); Khả năng lặn sâu 45 m; Có thể di chuyển dưới nước 45 dặm (72 km); Thời gian hoạt động dưới nước tối đa 48 h; Công suất động cơ chạy chân vịt 10 mã lực; Thời gian lặn 1,5 phút; Thời gian nổi 1,8 phút; Vũ khí gồm thủy lôi, pháo 2 nòng.
Cần phải nói thêm rằng động cơ AM-34 là một trong những động cơ máy bay tốt nhất thế giới thời bấy giờ với tổ hợp 12 xi lanh-pitông. Do phải bảo đảm tính bí mật nên AM-34 không được thế giới biết đến nhiều.
Mẫu thiết kế máy bay-tàu ngầm của Ushacov |
Bên trong chiếc máy bay-tàu ngầm này được chia làm sáu ngăn riêng biệt, khép kín. Ba ngăn dành cho động cơ, một ngăn cho kíp lái, một ngăn dùng chứa pin năng lượng và ngăn còn lại dành cho động cơ điện chạy chân vịt. Thân máy bay được chế tạo bằng các loại kim loại nhẹ để bảo đảm tính cơ động. Vỏ ngoài được sơn chống gỉ chống sự ăn mòn của nước biển.
Quá trình lặn của máy bay-tàu ngầm trải qua 4 giai đoạn. Đầu tiên, các ngăn chứa động cơ được đóng kín lại. Bước 2, ngăn chứa pin tiếp tục được đóng kín. Bước 3, chế độ điều khiển được chuyển sang chế độ lặn. Bước 4, kíp lái 3 người sẽ di chuyển vào trong ngăn kín và bắt đầu lặn xuống nước (ngăn lặn và ngăn bay khác nhau, ngăn bay sẽ bị ngập nước trong khi lặn).
Tháng 10/1938, thiết kế của Ushacov tiếp tục được Ủy ban Nghiên cứu Quân sự xem xét. Tuy nhiên, do dự tính chi phí quá lớn và khả năng thành công không cao nên dự án dần đi vào quên lãng.
Những dự án thiết kế máy bay-tàu ngầm của Mỹ
Thiết kế máy bay kiêm tàu ngầm của Mỹ xuất hiện sau thiết kế của Ushacov khá lâu. Phải đến năm 1954, kỹ sư điện Ronald Reid mới bắt đầu nảy sinh ý tưởng về việc chế tạo một chiếc tàu ngầm có thể bay lượn trên bầu trời.
Mẫu thiết kế máy bay-tàu ngầm đầu tiên của R. Reid mang tên Reid RFS-1 ra mắt vào năm 1961. Cỗ máy được đăng ký với chính quyền như một chiếc máy bay thông thường có số hiệu N1740 trang bị động cơ Lycoming.
Năm 1962, chiếc Reid RFS-1 đã bay được 23 m trên mặt một con sông tại bang New Jersi. Các cuộc thử nghiệm cho chiếc máy bay lặn xuống nước sau đó đều thất bại do những thiếu sót trong thiết kế.
Năm 1964, Reid RFS-1 được hải quân Mỹ bắt đầu chú ý. Chính trong thời gian này, Reid đã cho ra đời mẫu thiết kế thứ hai mang tên Commander-2. Ngày 9/7/1964, chiếc Commander-2 đã đạt tốc độ bay 100 km và lần đầu tiên thực hiện thành công việc lặn xuống nước.
Tuy nhiên, do thiết kế của Commander-2 có công suất quá nhỏ và trang bị nhẹ, không thể ứng dụng vào các mục đích quân sự nên bị hải quân Mỹ bỏ rơi và dần đi vào quên lãng. Reid tiếp tục ấp ủ giấc mơ chế tạo một chiếc máy bay- tàu ngầm cho đến khi qua đời vào năm 1991.
Mẫu thiết kế Commander-2 của R. Reid |
Năm 2004, con trai của Reid là Bruce đã cho xuất bản cuốn sách mang tên “Tàu ngầm bay: lịch sử chế tạo tàu ngầm bay Reid RFS-1”. Chiếc Reid RFS-1 với số hiệu máy bay N1740 hiện vẫn được trưng bày tại Viện bảo tàng Hàng không Pensivania.
Một số nguồn tin mật cho rằng Reid RFS-1 đã tiếp tục được hải quân Mỹ phát triển với tên gọi Aeroship. Năm 1968, mẫu thiết kế này đã xuất hiện tại Triển lãm Công nghiệp Quốc tế. Aeroship đã biểu diễn khả năng lặn và cất cánh từ mặt nước một cách ngoạn mục. Nhưng ngay sau đó, Aeroship đã được liệt vào loại thiết kế mật nên công chúng không còn thông tin gì về mẫu thiết kế này nữa.
Ngoài ra, trong số các ý tưởng thiết kế máy bay-tàu ngầm phải kể đến ý tưởng của công ty Conveir, Mỹ vào năm 1964. Lực lượng không quân Mỹ đã đặt hàng cho Conveir một chiếc máy bay kiêm tàu ngầm có tốc độ 280-420 km/h, độ lặn sâu lên tới 460 m; tầm bay 555-955 km. Tuy nhiên, sau đó do những trục trặc về hợp đồng nên dự án không được hoàn thành.
Máy bay-tàu ngầm theo thiết kế của Conveir năm 1964 |
Năm 2006, công ty Skunk Works đã giới thiệu mẫu thiết kế Cormorant. Đây là một phương tiện bay-ngầm không người lái được làm bằng titan và trang bị hai động cơ phản lực. Cormorant có khả năng xuất phát từ một phương tiện lai rất đặc biệt là tàu ngầm lớp Ohio của Mỹ.
Các cuộc thử nghiệm đầu tiên đã được tiến hành vào năm 2006. Tuy nhiên, từ năm 2007 các thông tin về Cormorant không được công bố vì lý do đây là công trình tối mật.
Cormotant của công ty Skunk Works thử nghiệm năm 2006 |
Cho đến nay, những thông tin về thiết kế và thử nghiệm máy bay có chức năng tàu ngầm của cả Nga và Mỹ đều được giữ bí mật. Nếu một ngày không xa, trên bầu trời xuất hiện một cỗ máy có hình dáng tàu ngầm thì điều đó cũng không có gì đáng ngạc nhiên