Tìm hiểu tàu đổ bộ lớn nhất của hải quân Nga
Tàu đổ bộ lớp Ivan Rogov thuộc dự án 1174 do nhà máy Yantar (Kalningrad) chế tạo. Tất cả có ba chiếc được sản xuất.
Chiếc đầu tiên mang tên Ivan Rogov hạ thủy năm 1976, chính thức đưa vào phục vụ năm 1978. Hai chiếc còn lại gồm tàu Aleksandr Nikolayev và Mitrofan Moskalenko lần lượt biên chế trong các năm 1983 và 1990.
Thiết kế sức chứa lớn
Tàu đổ bộ lớp Ivan Rogov có lượng choán nước 14.000 tấn, dài 157,5m, rộng 23,8m. Khoang chứa hàng của tàu có kích thước 54m x 12,3m với diện tích 660 mét vuông, bố trí cầu ra vào mũi tàu chuyên dùng cho nhiệm vụ đổ bộ.
Đuôi tàu có một cửa ra vào, bên trong khoang đó có thể làm ngập nước trợ giúp hoạt động của tàu đổ bộ cỡ nhỏ lớp Ondatra (lượng choán nước 145 tấn) và tàu đổ bộ đệm khí lớp Lebed (lượng choán nước 110 tấn).
Sức chứa của lớp Ivan Rogov khá lớn, bên trong khoang tàu chở 2.500 tấn hàng hóa, một tiểu đoàn lính thủy đánh bộ (520 người) và 25 xe tăng. Hoặc nếu không mang thêm các tàu đổ bộ cỡ nhỏ thì sức chứa tối đa khoảng 50 xe tăng và 80 xe thiết giáp chở quân.
Lớp Ivan Rogov còn có khả năng mang được bốn trực thăng săn ngầm Kamov Ka – 27 và trực thăng vận tải vũ trang Ka – 29. Các trực thăng Kamov đặt trong khoang chứa, có hai sân cất hạ cánh bố trí phía mũi tàu và đằng sau đuôi.
Hỏa lực phòng vệ mạnh
Tàu đổ bộ lớp Ivan Rogov trang bị một pháo hai nòng đa năng Ak 726 cỡ 75mm. Ak 726 thiết kế chuyên tiêu diệt các mục tiêu cỡ nhỏ trên biển, chống máy bay và tên lửa hành trình đối hạm. Pháo có tầm bắn 15,7 km, tốc độ bắn tối đa 100 viên/phút, dự trữ đạn 1.000 viên.
Ak 726 được điều khiển theo ba chế độ: tự động hoàn toàn sử dụng radar kiểm soát hỏa lực; bán tự động sử dụng thiết bị kính ngắm quang học Prizma; thủ công sử dụng kính ngắm của pháo thủ để xác định mục tiêu.
Tổ hợp tên lửa phòng không OSA – M cung cấp khả năng phòng thủ trước máy bay và tên lửa hành trình đối hạm. OSA – M trang bị loại tên lửa tầm ngắn Strela – 3M, tầm bắn 10km, thời gian phản ứng trong tác chiến chống đối phương khoảng 20 giây. Tổ hợp OSA – M sử dụng radar dẫn đường bán chủ động.
Tổ hợp pháo phòng không tầm cực gần Ak – 630 sáu nòng cỡ 30mm được sử dụng tiêu diệt tàu tuần tiễu cỡ nhỏ, phòng không tầm ngắn, máy bay và trong tác chiến đổ bộ Ak – 630 có thể trợ giúp tấn công các xe thiết giáp hỗ trợ cho lính thủy đổ bộ lên bờ biển. Tầm bắn của Ak – 630 khoảng 4.000 m, tốc độ bắn 5.000 viên/phút.
Đặc biệt, lớp Ivan Rogov lắp đặt hệ thống pháo phản lực phóng loạt Grad – M với 22 ống phóng cỡ 240mm. Grad – M sử dụng để oanh kích mục tiêu trên biển. Grad – M là phiên bản hải quân của hệ thống pháo phản lực BM – 21 lừng danh.
Mặc dù, Grad khi bắn có độ tản mát lớn nhưng khi bắn đồng loạt cùng tập trung vào một mục tiêu thì có sức tàn phá khủng khiếp, uy lực mạnh.
Động cơ
Hệ thống động lực của lớp Ivan Rogov gồm hai động cơ tuốc bin khí, hai trục lái và hai chân vịt cho phép đạt tốc độ tối đa 19 hải lý/h, tầm hoạt động khoảng 9.600 km và nếu chạy tốc độ thấp hơn thì cự ly kéo dài thêm.
Sau khi Liên bang Xô Viết tan vỡ (1991), tình hình kinh tế thời hậu Xô Viết gặp khó khăn lớn, ngân sách quốc phòng cắt giảm. Vì vậy, khả năng quân đội Nga lúc đó không còn đủ sức duy trì một số loại vũ khí. Năm 1996 – 1997, hai tàu đổ bộ Ivan Rogov và Aleksandr Nikolayev ngừng hoạt động, loại khỏi biên chế.
Tới ngày nay, chỉ còn Mitrofan Moskalenko hoạt động và trở thành tàu đổ bộ lớn nhất, duy nhất của hải quân Nga.
Trong tương lai, tàu Mitrofan Moskalenko sẽ sớm bị tàu đổ bộ lớp Mistral “soán ngôi” mà hải quân Nga đang đặt hàng.
Tàu Mistral được chế tạo bằng công nghệ đóng tàu thế kỷ 21, lượng choán nước 21.000 tấn. Nếu xét về khả năng chở trang bị vũ khí và binh lính thì giữa Mistral và Ivan Rogov tương đương.
Điểm khác lớn nhất giữa hai “người khổng lồ” là về sức chở trực thăng. Trong khi Ivan Rogov chỉ đáp ứng được 4 chiếc thì Mistral mang tới 16 trực thăng hạng trung, đây là con số ấn tượng biến Mistral không chỉ trở thành tàu đổ bộ mà còn như tàu sân bay hạng nhẹ.