Ôtô thương hiệu Việt, tại sao không?
Trong
bối cảnh các liên doanh với nước ngoài chỉ dừng lại ở việc lắp ráp thì
một số doanh nghiệp Việt Nam lại nuôi ước mơ sản xuất những sản phẩm
ôtô mang thương hiệu Việt đích thực. Một cuộc chơi nhiều thử thách,
gian nan.
Những chiếc xe buýt của Thaco không còn là điều lạ lẫm trên thị trường vận tải nội địa
Không giống nhau ở chiến lược đầu tư, song người đứng đầu hai doanh
nghiệp tư nhân sản xuất ô tô lớn nhất Việt Nam hiện nay là Công ty cổ
phần ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) và Công ty cổ phần ô tô Trường Hải
(Thaco) - ông Bùi Ngọc Huyên và ông Trần Bá Dương - đều có chung ước mơ
“sản xuất ra những sản phẩm ô tô mang thương hiệu Việt”. Trong bối cảnh
ô tô là mặt hàng được xem là xa xỉ, là tài sản có giá trị, thước đo
“sành điệu” của người sở hữu, việc thuyết phục “người Việt dùng hàng
Việt” không hề dễ dàng. Nhưng họ đã làm được.
Những lối đi khác nhau cùng dẫn đến thành công
Trong khi hầu hết các doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô trong nước, kể cả các liên doanh, mới chỉ dừng lại ở việc nhập khẩu linh kiện về và lắp ráp ô tô dưới thương hiệu sẵn có từ công ty mẹ rồi bán ra thị trường, Vinaxuki đã đi một con đường khác. Ngay từ khi thành lập, Tổng giám đốc Công ty, ông Bùi Ngọc Huyên đã tham vọng xây dựng thương hiệu ô tô riêng của người Việt Nam. Chính vì thế, công ty đã mạnh dạn đầu tư cho việc làm khuôn mẫu - khâu khó khăn và tốn kém nhất trong sản xuất ô tô. Không chỉ đầu tư khuôn mẫu, Vinaxuki hiện cũng đang sở hữu dây chuyền sơn hiện đại nhất Việt Nam. Đến nay, ước tính Vianxuki đã đầu tư hơn 500 tỷ đồng vào sản xuất, lắp ráp ô tô ở Hà Nội, Thanh Hóa và Thái Nguyên.
Dù không dễ thuyết phục người Việt dùng xe ôtô Việt, nhưng vẫn có doanh nghiệp dám đầu tư |
Đầu tư đồng bộ với những thiết bị hiện đại đã giúp cho các sản phẩm của Vinaxuki có sức cạnh tranh cao trên thị trường. Hiện mỗi tháng Công ty này bán ra hơn 1.000 xe tải các loại. Với sản phẩm có tỉ lệ nội địa hóa trên 40%, nước sơn được bảo hành 5 năm, cộng với giá bán hợp lý, có nhiều chương trình hỗ trợ cho khách hàng nên thương hiệu Vinaxuki rất được tín nhiệm.
Trong khi đó, bài toán đầu tư của Tổng giám đốc Thaco, ông Trần Bá Dương lại là hệ thống nhà máy sản xuất, lắp ráp xe và linh kiện ô tô theo công nghệ của Tập đoàn Kia Motors (Hàn Quốc) tại Khu kinh tế mở Chu Lai với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 trên 350 tỷ đồng, công suất 25.000 xe/năm, sử dụng hơn 2.500 lao động.
Không giống ông Huyên lao vào đầu tư chi tiết linh kiện sản phẩm, ông Dương bỏ tiền đầu tư dây chuyền hiện đại, nhà máy đồng bộ sản xuất số lượng lớn. Nhờ đó sản phẩm không chỉ đạt chất lượng cao mà giá còn rất cạnh tranh. Đồng thời, Thaco có trong tay một hệ thống đại lý, bảo hành, bảo dưỡng chuyên nghiệp rộng khắp trên toàn quốc.
Duy nhất tại Việt Nam, Thaco là doanh nghiệp đầu tư sản xuất các dòng sản phẩm cho 4 chủng loại xe: xe tải, xe chuyên dụng; xe bus; và xe du lịch, với tỷ lệ nội địa hóa hơn 40%.
Làm sao thay đổi thói quen “chọn mua vì thương hiệu ngoại”
60% nội địa hóa là tham vọng của Vinaxuki khi hợp tác sản xuất ôtô du lịch |
Miệt mài với chiến lược chất lượng, đặc biệt là yếu tố giá cạnh tranh cũng như dịch vụ sau bán hàng, dòng xe tải của các doanh nghiệp này dần chiếm lĩnh được thị trường. Xe tải sản xuất trong nước đang dần dần đánh bại dòng xe Trung Quốc nhập khẩu, thậm chí cạnh tranh ngang ngửa với xe Hàn Quốc, Thái Lan…
Song đối với dòng xe du lịch, cuộc cạnh tranh này khó khăn hơn nhiều. Bởi xe ô tô (du lịch) là tài sản có giá trị, được coi là thể hiện đẳng cấp của người sử dụng. Chính vì thế mà những chiếc xe mang thương hiệu Vinaxuki có chất lượng tốt, giá rẻ vẫn chưa hấp dẫn được nhiều người tiêu dùng. Tương tự, chiếc Kia Morning mới, sản phẩm lắp ráp trong nước của Thaco cũng rất chật vật khi cạnh tranh với sản phẩm cùng thương hiệu nhập khẩu nguyên chiếc, dù giá rẻ hơn, phụ kiện trang bị trên xe đầy đủ hơn.
Để hóa giải cái khó này, tháng 8 - 2009, lễ ký kết hợp đồng mua thiết kế và chuyển giao công nghệ chế tạo ô tô giữa Vinaxuki và Nagara (Nhật Bản) đã được triển khai. Hiện Vinaxuki bắt đầu triển khai thực hiện hợp đồng mua thiết kế và chuyển giao công nghệ chế tạo ô tô (bao gồm cả việc giám sát sản xuất tại Vinaxuki) với đối tác danh tiếng này. Đây là dự án được đầu tư công nghệ cao để sản xuất xe con theo tiêu chuẩn kỹ thuật của Nhật Bản với mục tiêu nội địa hóa tới 60%. Vinaxuki hiện đang đầu tư các thiết bị, máy móc, nhà xưởng để đáp ứng yêu cầu của đối tác Nhật Bản nhằm triển khai có hiệu quả việc chuyển giao công nghệ sản xuất từ phía Nhật Bản.
Không chỉ dừng ở một đối tác, ông Huyên cho biết, Vinaxuki sẽ hợp tác với nhiều công ty Nhật Bản khác để sản xuất ra các linh kiện, phụ tùng và ô tô theo công nghệ Nhật Bản mang nhãn hiệu Vinaxuki. Đây là bước đi có tính toán của Vinaxuki, bởi rõ ràng thương hiệu cũng như công nghệ của các nhà sản xuất nổi tiếng Nhật Bản này sẽ tạo đẳng cấp cho sản phẩm ô tô mang thương hiệu Vinaxuki.
Đối với Thaco, việc ký hợp đồng chuyển giao công nghệ và thương hiệu với hãng Kia - Hàn Quốc cũng là bước tính toán để nâng cao “đẳng cấp” cho các sản phẩm mang thương hiệu Thaco.
Từng bước, các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô trong nước đang thực hiện ước mơ đem đến cho người Việt những sản phẩm ô tô chất lượng cao, giá hợp lý. Hy vọng những tính toán của họ là chuẩn xác!