‘Việt Nam sẽ có 100 trực thăng tư nhân trong 10 năm tới‘
Thu nhập của người Việt Nam mới đạt ngưỡng trung bình thấp, nhưng Giám đốc thương mại hãng phân phối Vinacopter Jussi Hoikka vẫn tin nhu cầu máy bay tư nhân sẽ phát triển mạnh
- Ông đánh giá như thế nào về nhu cầu sử dụng máy bay trực thăng cá nhân tại Việt Nam?
- Hiện ở Việt Nam có 20 chiếc máy bay trực thăng hoạt động, rất ít ngay cả khi so sánh với các nước láng giềng. Phillipines hiện có 150 chiếc, Indonesia 130, Malaysia 70 và Thái Lan là 45. Trong 20 chiếc nói trên, 18 chiếc hoạt động trong lĩnh vực khai thác dầu khí (10 chiếc của Eurocopter và 8 chiếc của Nga). Còn lại chỉ có 2 chiếc thuộc sở hữu tư nhân.
Tuy nhiên, thị trường Việt Nam đang có tiềm năng phát triển rất lớn. Dự báo của Vinacopter cho thấy nhu cầu trực thăng tư nhân của thị trường Việt Nam sẽ đạt khoảng 100 chiếc trong vòng 10 năm tới.
8 tháng đầu năm nay, chúng tôi đã hoàn thành hợp đồng bán 2 chiếc máy bay cho khách hàng Việt Nam. Cộng với những bản hợp đồng đang thương thảo, chúng tôi hy vọng sẽ bán được ít nhất là 5 chiếc trong năm nay.
Con số này là khả quan bởi với những gì đang diễn ra với kinh tế thế giới và Việt Nam, bạn khó có thể hy vọng vào nhu cầu đối với một mặt hàng được coi là “xa xỉ” như vậy sẽ tăng trưởng mạnh. Trong cả năm 2010, chúng tôi là hãng phân phối duy nhất tại Việt Nam cũng chỉ bán được 2 chiếc, trong đó một chiếc được chính công ty mua lại để làm mẫu.
Giám đốc thương mại của Vinacopter - Jussi Hoikka. Ảnh: Nhật Minh |
- Những đơn đặt hàng này đến từ đâu, thưa ông?
- Thường thì khách hàng mua máy bay của Vinacopter không muốn tiết lộ danh tính. Tuy nhiên, họ đều là lãnh đạo của các doanh nghiệp tư nhân lớn. Đây cũng là đối tượng khách hàng mà chúng tôi hướng tới.
Một trong những thương gia đầu tiên sử dụng trực thăng riêng tại Việt Nam là Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát - Trần Đình Long. Tuy nhiên, chiếc của ông Long được mua trực tiếp từ chi nhành Công ty mẹ của chúng tôi - Eurocopter tại Singapore từ năm 2008. Khi đó thì Vinacopter chưa chính thức hoạt động.
- Thu nhập của người Việt chỉ vừa đạt ngưỡng trung bình thấp của thế giới, trong khi sở hữu một chiếc trực thăng không hề rẻ. Vậy tại sao ông lại kỳ vọng vào một sự tăng trưởng nhanh như vậy?
- Chi phí để sở hữu và vận hành trực thăng không rẻ. Giá mỗi chiếc mà chúng tôi cung cấp dao động trong khoảng 2-14 triệu USD, chưa bao gồm thuế nhập khẩu, VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt (30%)… Cộng với các khoản khác như nhiên liệu, chi phí bảo hiểm, bảo dưỡng, bến bãi... thì con số quả là lớn so với mức thu nhập trung bình.
Tuy nhiên, đối tượng khách hàng mà chúng tôi hướng đến ở đây là lãnh đạo các doanh nghiệp. Hãy nhìn vào tốp 100 công ty lớn nhất nước, họ có đủ tài chính cũng như nhu cầu để cân nhắc mua một chiếc máy bay, nhất là khi chi phí cho thuê lên tới 2.400 USD mỗi giờ.
Với tốc độ phát triển kinh tế hiện nay, cơ sở hạ tầng, đặc biệt là đường sá của Việt Nam hiện chưa bắt kịp. Do đó, nhiều thương gia sẽ buộc phải chọn phương tiện hiệu quả hơn là đi bằng đường bộ để đáp ứng lịch làm việc kín đặc của mình. Khi đó họ sẽ nghĩ đến trực thăng. Đó là chưa kể tới việc coi phương tiện giao thông này là một công cụ quảng cáo, marketing hiệu quả.
- Đăng ký và sử dụng một chiếc máy tại Việt Nam cũng không hề đơn giản. Các khách hàng mua máy bay sẽ phải giải bài toán này thế nào thưa ông?
- Đúng là rất khó để thuyết phục các cơ quan chức năng cho phép bất kỳ cá nhân nào sở hữu và điều khiển máy bay. Tuy nhiên, có một lựa chọn khác là thuê một hãng khai thác quản lý và vận hành máy bay cho bạn. Đây là cách mà đa số khách hàng của chúng tôi đang sử dụng.
Sau khi hoàn tất thủ tục mua bán, tùy vào loại trực thăng lựa chọn, khách hàng có thể nhận ngay hoặc đợi tối đa là 2 năm (với các mẫu lớn, hiện đại) để nhận được máy bay. Sau đó, nó sẽ được giao trực tiếp cho hãng khai thác để quản lý. Đơn vị này, sau đó sẽ lo toàn bộ các khâu như phi công, bảo hiểm, bảo dưỡng, điểm cất - hạ cánh… cho khách hàng.