Những chi tiết hay hỏng nhất trên ôtô
Trên mỗi xe, các chi tiết có tốc độ lão hóa, tần xuất thay thế không giống nhau. Những khuyến cáo dưới đây không phải đúng cho mọi trường hợp, nhưng sẽ là những gợi ý giúp bạn có định hướng tốt hơn trong sử dụng, bảo dưỡng và sửa chữa.
Định kỳ 3-6 tháng hoặc 5.000-8.000 km thay dầu bôi trơn một lần. Nên thay lọc dầu sau 2 lần thay dầu. Đó là những câu trả bạn sẽ nhận được khi hỏi bất kỳ thợ sửa xe nào.
Nên thay lọc dầu sau 2 lần thay dầu.
Nếu thường xuyên phơi mưa nắng, 2 năm là thời gian quá dài đối với sức chịu đựng của lớp cao su gắn trên gạt mưa. Rạn nứt, chai cứng hay chảy dẻo khiến lớp cao su trở nên vô dụng cho dù cần gạt vẫn ra sức quay.
Bên lề hội thi tay nghề giỏi 2011 do Ford tổ chức, khi được phóng viên hỏi, một kỹ thuật viên cho biết, trong điều kiện bụi bẩn như ở Việt Nam nên định kỳ vệ sinh lọc gió 3 tháng một lần. Nếu tài xế thường xuyên lấy gió ngoài, lọc điều hòa sử dụng trong khoảng 6 tháng.
Thường xuyên chở tải nặng, hoặc đi trong phố đông làm tăng tốc độ mòn má phanh. Ở những dòng xe cao cấp thường trang bị cảm biến báo mòn tự động, vấn đề đơn giản chỉ là thay má khi nhận được thông báo. Cơ cấu báo mòn cơ khí sử dụng ở những mẫu xe cấp thấp hơn.
Khi phanh xuất hiện tiếng kẹt ở cơ cấu phanh với tần số thay đổi theo tốc độ, thì đa phần các trường hợp là mòn má phanh. Không phải lúc nào mọi hệ thống cũng hoạt động trơn tru, cơ cấu báo mòn cũng vậy. Vì thế, sau 3-5 năm sử dụng hoặc 50.000-120.000 km dù không có bất thường nào, bạn cũng nên kiểm tra cơ cấu phanh vì rất có thể các má đã mòn trơ và cào sát đĩa phanh.
Bên cạnh nguyên nhân mòn má phanh gây hiện tượng đạp phanh không ăn, hãy nghĩ tới các gioăng cao su làm kín. Vấn đề hở gioăng có thể xuất hiện khi xe đi 160.000 km, nhưng nếu cố rà phanh liên tục, nhiệt độ tăng cao ở cơ cấu phanh, các gioăng có thể hỏng bất cứ lúc nào.
Xe không chạy, ắc-quy vẫn trong tình trạng làm việc, bởi vậy các chuyên gia khuyến cáo nên thay chúng sau 4-5 năm sử dụng.
Với đèn Xenon hay LED, cháy bóng không còn là vấn đề lớn. Nhưng trên những loại bóng sợi đốt truyền thống thì lại khác. Cuộc sống của chúng kéo dài khoảng 7 năm. Xe thường xuyên đi đêm hoặc trên đường xóc làm cho thời điểm này đến nhanh hơn.
Nếu xe sử dụng thường xuyên, trung bình khoảng 19.000 - 24.000 km mỗi năm, hoa lốp sẽ bị mòn trước khi lớp cao su tổng hợp bị thoái hóa. Nhưng nếu chỉ chạy xe vào dịp cuối tuần khoảng 10.000 km/năm, lốp có thể bị lão hóa trước khi mòn quá mức. Tốt nhất không nên sử dụng lốp quá 6 năm bởi khi đó lớp cao su lão hóa có thể làm tăng nguy cơ nổ lốp.
Bu-gi platin hoặc iridi thường có tuổi thọ 160.000 km hoặc 8 năm. Tuy nhiên, chúng có thể phải được thay thế trước đó nếu phát hiện đầu nến đánh lửa có quá nhiều cáu bẩn, dính muội dầu hoặc phần sứ bị nứt.
Máy phát là nguồn cung cấp điện chính khi động cơ làm việc. Tăng phụ tải sẽ rút ngắn tuổi thọ làm việc của máy. Cũng có nhiều trường hợp thợ bắt sai bệnh dẫn tới việc thay thế nhầm máy phát. Nếu khả năng nạp điện cho ắc-quy kém, cần kiểm tra các điện cực của bình điện, rồi hãy thực hiện các bước kiểm tra khác. Trước khi đưa ra quyết định thay thế, bạn nên đề nghị thợ kiểm tra lại tính năng của máy phát bằng đồng hồ đo điện.
Bơm nhiên liệu cũng là chi tiết thường bị thay oan. Sau khi thay lọc xăng, áp suất phun vẫn thấp, một số gara thường quy cho bơm bị lỗi và đưa ra quyết định thay mới. Nhưng thực tế, vấn đề lại nằm ở bộ ổn định áp suất, tắc đường ống, hoặc hệ thống điện có vấn đề. Bơm thường gặp hỏng sau năm thứ 6 trở đi, nguyên nhân phổ biến là do thói quen thường xuyên để nhiên liệu trong bình ở mức thấp làm bơm không được bôi trơn đầy đủ.
Bơm nước rất ít hỏng, nếu có thường sau 6-8 năm, vấn đề phổ biến là mòn bạc làm kín. Nước làm mát không lưu thông, động cơ quá nhiệt.
Cháy cầu chì thường xuyên đồng nghĩa với hệ thống điện đang có vấn đề. Cầu chì có chức năng bảo vệ mạch điện, nó bị đứt chứng tỏ đã có dòng điện cao chạy qua. Nguy cơ cháy nổ xe sẽ tăng nên nhiều lần nếu sử dụng cầu chì có dòng định mức cao hơn quy định.
Sử dụng cầu chì có dòng điện định mức cao hơn quy định làm tăng quy cơ cháy nổ.
Tuổi thọ của các cảm biến động cơ trên 250.000 km, với cảm biến oxy khoảng 160.000 km vì chúng thường két dinh nhiều bụi bẩn, muội than. Dây cảm biến đứt thường làm đèn Check Engine sáng.
Ống tiêu âm trên các xe hiện đại làm bằng thép không rỉ, có độ bền trên 10 năm hoặc 160.000 km hoặc nhiều hơn. Tuy nhiên, môi trường ẩm, nhiều muối có thể rút gắn tuổi thọ của chi tiết này.
Trong khi giảm chấn thường làm mền hệ thống treo khi xe chạy 80.000-120.000 km, thì các thanh giằng liên kết gần như chẳng bao giờ gặp sự cố trong suốt đời xe. Với tài non hoặc những người có kỹ năng ra vào số kém, mức 160.000 km cho một lá côn sẽ luôn là một giấc mơ xa vời.
Làm việc thường xuyên, bền bỉ nhưng ít gặp hư hỏng nhất có lẽ là hộp số tự động. Tuy nhiên, hư hỏng có thể xuất hiện khi xe chạy được 100.000 km, mà nguyên nhân thường thấy là do xe quá tải, tăng giảm ga đột ngột hoặc bất kỳ yếu tố nào làm nóng hộp số quá mức.