Ford Mustang 2008: “Ngựa hoang” chốn đô thành
Gần nữa thập kỷ trôi qua kể từ khi chiếc Ford Mustang xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1964, cái tên này giờ đây đã trở thành một huyền thoại đại diện cho phong cách xe cơ bắp Mỹ. Kiểu dáng mạnh mẽ, phong cách thể thao không chỉ giúp Ford Mustang vượt qua được những thăng trầm của thời gian, mà còn đưa chú “ngựa hoang” đến với hàng triệu tín đồ yêu xe thể thao trên toàn thế giới, và Việt Nam cũng không là một ngoại lệ.
Cập bến trên dải đất hình chữ S, Mustang được Ford Sài Gòn nhập về với một số lượng khá khiêm tốn, chỉ có chừng hai chiếc trong đó một chiếc đã có mặt ở Hà Nội. Khác với thiết kế của các siêu xe thể thao Châu Âu đã xuất hiện trước đó tại Việt Nam, người Mỹ luôn tôn thờ vẻ đẹp cơ bắp truyền thống bằng việc bảo lưu phong cách thiết kế chiếc Mustang của những năm 60 cho đến ngày nay.
Một chút cổ điển, một chút hiện đại, các đường nét thiết kế được giao hoà đến tài tình, vì thế suốt bao thế hệ đã qua của Mustang, người xem không bao giờ cảm thấy sự nhàm chán.
Quan sát từ bề ngoài của Ford Mustang, thiết kế đầu xe có phần khá đơn giản, đèn pha được thiết kế độc lập tách biệt với xi-nhan và đèn phụ, 2 đèn cốt dạng ống bố trí ngay trên hốc hút gió liên kết với hình logo chú ngựa hoang đang phi nước đại thông qua một đường mạ crôm chạy ngang. Hốc hút gió rộng sử dụng lưới tản nhiệt dạng tổ ong kích thước lớn đáp ứng nhu cầu làm mát cho động cơ dung tích cao.
Thân xe nổi bật với những đường dập nổi nối liền với vòm lốp lớn nhô rộng khiến cho Mustang trông trở nên khoẻ khoắn, rắn chắc và đậm phong thái của một chiếc xe cơ bắp Mỹ. Nắp ca-pô dài và góc cạnh nhờ sự xuất hiện của các đường gờ chạy dọc từ kính chắn gió cho tới mũi xe. Đồng thời với thiết kế như vậy, Ford Mustang như muốn ngụ ý cho người xem biết dưới vỏ bọc ấy đang ẩn chứa cỗ máy có thể đem lại một sức mạnh ghê gớm. Nóc xe với xu hướng trượt dốc về phía sau tạo điểm nhấn cho thiết kế đuôi xe nhô cao, bộ đèn hậu với kiểu dáng vuông vắn, gọn gàng chia thành 3 cột không thực sự hoa mỹ những vẫn đem lại cảm giác cân bằng với tổng thể của chiếc xe.
Theo nhà sản xuất công bố, thiết kế kiểu dáng của Ford Mustang định hình là một chiếc Coupe thể thao 4 chỗ, nhưng với việc bố trí ghế ngồi theo dạng 2+2, sự thoái mái, rộng rãi được dành chủ yếu cho hàng ghế trước.
Không gian hàng ghế sau khá chật hẹp, khoảng cách từ bộ phận đầu người ngồi sau với trần xe bị hạn chế do thiết kế nóc xe dốc quá nhiều về phía sau, do vậy hàng ghế này chỉ phù hợp dành cho trẻ nhỏ hay để chứa những hành lý loại nhẹ.
Cũng giống như những gì Mustang thể hiện bên ngoài, trang bị nội thất bên trong của chiếc xe vẫn giữ nguyên phong cách của Mustang cổ điển. Bảng điều khiển trung tâm đơn giản, vuông vắn với các chức năng được coi là cơ bản cho một chiếc xe hơi.
Vô-lăng thể thao 3 chấu không tích hợp nhiều nút chức năng, đáng tiếc hơn là chiếc Mustang dành cho năm 2008 này vẫn chưa được nhà sản xuất Ford trang bị cần chuyển số thể thao ngay sau vô-lăng, một điều mà chúng ta thường thấy trên các dòng xe thể thao hiện đại.
Bảng đồng hồ tập trung vào 2 vòng tròn lớn hiển thị tốc độ và vòng tua động cơ, các chữ số đều rất lớn và rõ ràng để gây sự chú ý đối với chủ xe tránh việc đi quá tốc độ quy định, ghế lái kiểu dáng thể thao tuy nhiên trang bị điều khiển điện lại chỉ dành cho ghế lái.
Hệ thống âm thanh Shaker500 6 loa cùng trang bị bộ loa siêu trầm ngay trên cánh cửa đủ để cuốn hút những ai ngồi bên trong hoà vào giai điệu của âm nhạc. Nhìn chung, mọi thứ trong khoang xe đều toát lên triết lý thiết kế cân đối, đơn giản với mục đích tập trung nhiều cho cảm giác lái.
Chủ của Ford Mustang cho biết, chiếc xe anh đang dùng là loại Mustang phiên bản Premium sản xuất năm 2007 nhưng là phiên bản dành cho năm 2008, sử dụng động cơ V6 4.0L SOHC kết hợp trang bị hộp số tự động 5 cấp, công suất 210 mã lực/5.300vph, mô-men xoắn cực đại 325Nm/3.500vph.
Ngồi vào ghế lái, khởi động động cơ, tiếng nổ gầm gừ lại bật lên từng hồi mỗi khi tôi nhấn nhẹ chân ga, nó tác động mạnh vào thính giác khiến cho cảm xúc của tôi trào dâng và hưng phấn đến tột độ. Chuyển số, nhấn sâu chân ga, sức mạnh của động cơ truyền tải về bánh sau làm cho bộ lốp sau rít lên một tiếng và đẩy mạnh chiếc xe lao về phía trước.
Toàn bộ phần lưng dính chặt lấy ghế và tinh thần tập trung vào việc điều khiển cho chú “ngựa hoang” cất vó, mặc dù vậy tôi cũng không quên hướng mắt để ý đồng hồ hiện thị tốc độ. Chỉ trong bỗng chốc, kim đồng hồ đã chỉ đến con số 60mph (~ 100km/h) với quãng đường chạy hơn 250m, một con số khá ấn tượng khi chúng tôi thử nghiệm trong điều kiện đường phi chuẩn tại Việt Nam.
Khung gầm thiết kế khoảng sáng cao, có phần trái ngược với yêu cầu thiết kế xe thể thao hiện đại vốn đòi hỏi được hạ thấp trọng tâm, hệ thống treo độc lập sử dụng kiểu MacPherson kết hợp với khung gầm cao giúp chiếc xe luôn bình ổn và êm ái khi đi vào những đoạn đường mấp mô, gồ ghề. Đây là một trong những ưu điểm để Ford Mustang phù hợp và thích nghi với điều kiện cơ sở hạ tầng của Việt nam hiện nay.
Khả năng cách âm của Mustang là khá tốt, tuy vậy các kỹ sư thiết kế của Ford vẫn cố tình để tiếng động cơ lọt vào trong ca-bin, có lẽ họ muốn đem đến cho người điều khiển Mustang tối đa sự hưng phấn của cảm giác lái cũng như cảm nhận rõ hơn sức mạnh gầm rú mà động cơ của chiếc xe tạo nên.
Tuy nhiên, nhược điểm cố hữu của dòng xe Mỹ nói chung và những chiếc xe do Ford sản xuất nói riêng luôn bị coi là cỗ máy “uống” xăng với lượng tiêu thụ trung bình cho đường cao tốc khoảng 18~20 lít/100km. Chính vì điều này đã giải thích tại sao Ford Mustang lại ít được những dân chơi xe nhập về.
Nhưng với mức giá sau thuế của chiếc Mustang 2008 phiên bản V6 Premium tại Việt Nam khoảng 70,000 USD, nó vẫn là cái tên đáng để lựa chọn cho những ai muốn đặt cảm giác lái khác lạ lên hàng đầu mà không quá coi trọng đến vấn đề nhiên liệu.
Bảng thông số kỹ thuật
Dài x rộng x cao (mm) |
4.765 x 1.880 x 1.384 |
Chiều dài cơ sở (mm) |
2.650 |
Tự trọng (kg) |
1.497 |
Động cơ |
V6 4.0L SOHC |
Công suất cực đại (ml/v/ph) |
210 / 5.300 |
Mô-men xoắn cực đại (Nm/v/ph) |
325 / 3.500 |
Hệ thống truyền động |
Hộp số tự động 5 cấp |
Giá (USD) (bán tham khảo tại Việt Nam) |
70.000 |