Lý do người Ấn Độ “cuồng si” Tata Nano
Hôm đó, anh đã dậy sớm, gọi điện cho ông chủ của nhà hàng nơi anh làm việc thông báo nghỉ ốm một ngày, sau đó đi xe máy, một chiếc Yamaha 100cc, mất nửa tiếng để tới một đại lý ô tô ở Nam Delhi. Tại đây, anh hòa vào hàng trăm người hâm mộ, chen lấn để có thể lọt vào trong đại lý. “Tôi không thể chờ đợi,” anh nói trong khi mắt đảo quanh tìm lối vào cửa hàng. “Tôi đã trông thấy nó một lần cách đây 2 năm, và từ đó, tôi mơ ước có ngày đem nó về nhà, gây nhạc nhiên cho cha mẹ. Ồ, vợ tôi nữa, cô ấy sẽ rất vui sướng.”
Đột nhiên, cửa bật mở, và anh lọt vào giữa một đám đông khác trong phòng. Ở đó, trong góc phòng, anh nhớ lại, là một chiếc Tata Nano màu trắng tinh khôi. Màu sơn xe vẫn còn sáng bóng, một dải ruy-băng đỏ bắt chéo trên nắp ca-pô, cánh cửa mở ra đầy mời gọi, chiếc xe như vẫy gọi Murthy.
Trong thời gian hai năm rưỡi kể từ khi Murthy lần đầu trông thấy những bức ảnh chụp xe Nano, chiếc xe đã trở thành nỗi ám ảnh đối với anh, cũng như vô số người Ấn Độ khác. Anh ngày đêm mơ về chiếc xe giá 100.000 rupi (khoảng 2.000 USD).
Giống như 350.000 người khác trên khắp Ấn Độ, Murthy sẵn sàng nộp ngay 80 USD tiền đặt cọc để được ghi tên rút thăm mua xe. Do công suất sản xuất còn hạn chế, chỉ có 100.000 người may mắn được máy tính rút thăm ngẫu nhiên có cơ hội sở hữu xe Tata Nano trong 12 tháng tới. Năm ngoái, sức ép từ các chính trị gia địa phương tức giận về việc Tata dùng đất nông nghiệp để xây dựng nhà máy ở Tây Bengal đã buộc công ty phải từ bỏ dự án ở đây và chuyển sang xây nhà máy ở Gujarat, bang ở miền tây Ấn Độ. Sớm nhất là cuối năm nay nhà máy này mới có thể đi vào hoạt động, nên trước mắt, Tata chỉ có thể sản xuất Nano với số lượng hạn chế.
Người phương Tây khó có thể hình dung ô tô có ý nghĩa thế nào với người Ấn Độ. Trong suốt nhiều thập kỷ, do chính sách kinh tế, người Ấn Độ không có nhiều lựa chọn ô tô. Chỉ có hai loại: mẫu Ambassador như xe tăng, chẳng có gì thay đổi kể từ thập niên 50, với kiểu ghế sofa và động cơ yếu; hoặc mẫu Fiat chỉ hợp với phụ nữ, kiểu dáng ngắn và nhỏ nhắn, với hộp số gắn luôn trên vô lăng. Ít người có khả năng mua ô tô mới, và đó là lý do một chiếc ô tô thường được mua bán chuyển nhượng 2, 3 và thậm chí là 4 lần.
Cầu nguyện cho xe
Vào đầu thập niên 90, Ấn Độ mở cửa nền kinh tế, và bỗng chốc, người tiêu dùng có nhiều lựa chọn, nhưng chỉ có một số nằm trong khả năng tài chính, còn đa số là không. Ô tô mới, gần như luôn là Maruti 800, do Suzuki thiết kế và chính phủ Ấn Độ sản xuất, sẽ được chuyển tới tận nhà cho khách hàng kèm theo ruy-băng đỏ và hoa.
Trước ánh mắt ghen tỵ của những người hàng xóm, chủ nhân sẽ thận trọng lái xe tới một ngôi đền, nơi một thầy tế sẽ đập vỡ một quả dừa và đọc lời cầu nguyện cho cả chiếc ô tô và chủ sở hữu.
Sau đó, lũ trẻ con hàng xóm sẽ lao vào chiếc xe và nhiều tuần liền, chủ xe buộc phải lái xe chở chúng chạy loanh quanh, để cho chúng được bấm còi, ngồi vào ghế lái, và ôm vô-lăng. “Tôi có cảm giác như được giải phóng,” một công chức nhà nước ở Kolkata nhớ lại thời điểm năm 1989, ông mua một chiếc Ambassador đã qua sử dụng 3 năm với giá 70.000 rupi (ngày nay tương đương với 1.400 USD), số tiền mà ông đã phải tiết kiệm trong nhiều năm, cộng thêm vay mượn. Đó là chiếc ô tô đầu tiên mà đại gia đình ông sở hữu. “Tôi có thể đi bất cứ đâu,” ông nói. “Dù mưa hay nắng, bất cứ lúc nào.”
Nhưng với nhiều người Ấn Độ khác, những người không nghèo nhưng cũng không giàu, mà thuộc tầng lớp trung lưu thấp, ô tô vẫn là biểu tượng của sự giàu sang mà họ không thể với tới. Chỉ để mua được một chiếc xe máy giá 1.000 USD, họ cần mẫn tiết kiệm tiền, để rồi sau đó được cùng vợ con, và đôi khi là cả bạn bè, tất cả dồn hết lên yên xe máy, để đi dã ngoại, lạng lách trên đường giữa những chiếc ô tô của nhà giàu và bò của nhà nghèo. “Kể từ lần đầu nhìn thấy Nano, tôi bắt đầu thấy ghét chiếc xe máy của mình,” Murthy nói.
Hình ảnh một gia đình với 4 người trên yên xe máy lướt đi trên đường phố đông đúc trong mưa đã đưa tỷ phú công nghiệp Ratan Tata đến với ý tưởng sản xuất mẫu ô tô rẻ nhất thế giới. Không ít người đã cười khẩy mà rằng: “Không thể thực hiện được.” Biên tập viên của một tờ báo thậm chí còn cười lớn và nói rằng đó sẽ là một cái xe kéo 4 bánh, với cửa bằng cao su. “Có túi khí không? Có dây đai an toàn không? Còn quá nhiều điều chưa biết về chiếc xe này.” CEO Osamu Suzuki của Suzuki đã từng hỏi vậy vào tháng 12/2007.
“Điều không thể đã thành có thể"
Trái với suy nghĩ của nhiều người, Nano là một chiếc ô tô thực sự, và lập tức thu hút sự chú ý của cả thế giới. “Nano là mẫu ô tô mà người Ấn Độ không phải hổ thẹn,” biên tập viên Gautam Sen của tạp chí ô tô lớn nhất Ấn Độ, Auto
Sau khi ông Ratan Tata ra mắt mẫu xe Nano vào tháng 1 năm ngoái tại Triển lãm ô tô New Delhi, giao thông tại một số khu vực trung tâm Delhi rơi vào tình trạng tắc nghẽn, khi có khoảng 300.000 người đổ tới triển lãm để tận mắt trông thấy giấc mơ của đời mình.
Nói về ý nghĩa của Nano đối với người Ấn Độ, tiểu thuyết gia hoạt hình Sarnath Banerjee đã sáng tác một câu chuyện đăng trên tờ
Hindustan Times về hai người bạn biết nhau từ thuở thiếu thời nhưng đã mấy năm nay không hề nói chuyện với nhau mà chỉ đứng trên ban công nhà mình vẫy chào bạn ở bên kia đường. Lý do họ không gặp mặt không phải do có xích mích gây lộn, mà đơn giản chỉ vì không ai dám sang đường trong tình hình giao thông đông đúc và thường xuyên tắc nghẽn. Và chiếc xe Tata Nano giá 2.500 USD là lời giải cho vấn đề của họ. Đó chỉ là một chuyện cười bằng tranh, nhưng Sarnath Banerjee nói: “Nó giống như điều không thể bỗng trở thành có thể.”
Trong khi chờ đợi chiếc xe có mặt trên thị trường, người ta không ngớt bàn luận về Nano, lựa chọn màu sắc và hoãn các kế hoạch mua sắm khác để tiết kiệm tiền mua xe. Hồi tháng 8 năm ngoái, khi những người biểu tình chỉ trích chính quyền địa phương về việc lấy đất nông nghiệp của họ để giao cho Tata xây nhà máy ở Tây Bengal, khiến Tata phải hủy dự án tại đây, nhiều người Ấn Độ đã thấy căm ghét những người biểu tình vì đã khiến họ phải chờ đợi lâu hơn mới có được chiếc xe mơ ước. Bà Mamata Banerjee, người lãnh đạo biểu tình chống Tata, giờ đây thở dài khi được hỏi về việc cuối cùng chiếc xe cũng có mặt trên thị trường. “Tôi không biết. Mọi thứ có thể đã được giải quyết. Mỗi lần xem quảng cáo chiếc xe, tôi thấy như Tata ra mắt Nano chỉ nhằm khiến hình ảnh chúng tôi thật tệ.”
Với Rajesh Murthy, công dân vùng Ghaziabad đã nhắc ở trên, mặc dù biết ít có cơ hội sở hữu Tata Nano trong đợt đầu này, nhưng anh vẫn vét sạch số tiền tiết kiệm 120.000 rupi (2.400 USD) mang tới đại lý ở Delhi với hy vọng có thể thuyết phục đại lý bán ngay cho anh chiếc xe đang để ở showroom.
Tuy nhiên, cũng như những người khác, Murthy phải điền vào đơn đăng ký và đặt cọc 80 USD để được đưa vào danh sách rút thăm ngẫu nhiên của máy tính. Anh còn phải xuất trình giấy tờ chứng minh rằng anh có việc làm, đã thực hiện nghĩa vụ thuế đầy đủ, có chỗ ở ổn định, và sổ tiết kiệm.
Nhân viên bán hàng của đại lý, anh V. Ramakrishnan cho biết những chiếc xe có mặt tại showroom chỉ để khách hàng ngắm và sờ, chứ không để lái thử. Tuy nhiên, để các nhân viên bán hàng làm quen với chiếc xe để có thể giới thiệu cho khách, chủ đại lý đã cho phép họ lái thử vài vòng. “Chỉ năm phút thôi,” Ramakrishnan nói. “Thật tuyệt. Tôi có cảm giác mình như một người giàu có.”