Xe đạp tre ‘made in Vietnam‘
Đó là những chiếc xe đạp làm hoàn toàn bằng tay từ nguyên liệu là những thân tre mộc mạc ở vùng quê Hội An (Quảng Nam).
Võ Tấn Tân chế tạo thành công chiếc xe đạp tre dành cho nữ - loại khó nhất mà nhiều nơi chưa làm được
Duyên nợ với tre
Võ Tấn Tân (xã Cẩm Thanh, TP.Hội An) lớn lên trong một gia đình có nghề truyền thống thủ công mỹ nghệ, sớm nghe tiếng đục, tiếng rựa nện vào những thân tre rắn chắc... Nhà anh cũng như nhiều gia đình khác trong làng đã bám lấy nghề tre dừa để mưu sinh.
Tân không nhớ từ khi nào anh bén duyên với tre và đã làm bao nhiêu sản phẩm từ loại cây này, chỉ nhớ rằng dù đã làm nhiều nghề nhưng nhất quyết phải có việc gì đó liên quan đến cây tre. Anh tâm sự: “Học ngành điện tử sau khi ra trường, tôi vào làm việc tại một nhà máy lắp ráp điện tử ở TP.Đà Nẵng. Được một thời gian, tôi về quê làm tại một công ty du lịch. Nhưng làm gì tôi cũng nhớ nghề tre, phải động tay động chân mới thấy bớt bồn chồn. Cứ rảnh ra là tôi lại dành thời gian với những thân tre nơi xó vườn”.
Cái gì anh Tân làm ra cũng có công năng và giá trị sử dụng thực tế. Anh không muốn làm ra thứ chỉ để… nhìn. Cầm trên tay chiếc điện thoại bàn kiểu cổ điển được ghép bằng những mảnh tre, anh Tân cho biết đây là sản phẩm do anh tự thiết kế và vận dụng cả kiến thức kỹ thuật điện tử được học để làm.
Xe đạp tre... đạp ra thị trường
Chiếc xe đạp tre bắt đầu từ một cuộc gặp gỡ với anh Axel Lakassen, người Hà Lan. Đó là cuối năm 2011, trong một lần anh Axel Lakassen đến Hội An du lịch, tìm một người có kỹ năng và tay nghề cao trong chế tác tre để biến ý tưởng sản xuất xe đạp tre tại Việt Nam thành hiện thực. Thế là 2 người gặp nhau.
Tân bắt đầu làm chiếc đầu tiên theo phương pháp khớp nối sườn tre thông qua các trục đấu bằng kim loại. Đây là loại xe đạp tre dễ nhất trong các loại xe đạp đang được các nước trên thế giới sản xuất. Những ngày đầu bỡ ngỡ, thiếu kinh nghiệm, chiếc xe đạp tre vẫn còn rung lắc khi đi trên đường gồ ghề. Sau đó anh Tân đã phải thí nghiệm đến 20 mẫu liên kết bằng sợi gai (được mua từ vùng núi của đồng bào dân tộc thiểu số) mới tiến hành thực hiện trên khung xe đạp.
Mọi phương pháp anh đều tự mình tìm tòi và đúc kết. Không chỉ làm được loại xe đạp địa hình với khung sườn chịu lực theo kiểu dành cho nam, anh còn chế tạo thành công chiếc xe đạp tre dành cho nữ. Theo anh, loại khung sườn xe nữ là loại khó nhất mà đến nay nhiều nơi vẫn chưa làm được. Anh Tân khẳng định, loại xe đạp tre này ngoài việc đảm bảo an toàn khi lưu thông, còn có dáng thời trang và chịu va chạm tốt.
Hiện anh Tân đang sản xuất chiếc thứ 3 theo kiểu kết cấu sợi tự nhiên. Trong năm nay, anh dự tính sẽ sản xuất 20 chiếc để xuất bán ra thị trường với giá từ 5 - 15 triệu đồng.
Tân cho biết, trong tương lai anh Axel Lakassen sẽ thực hiện dự án “Vòng đời” để tạo công ăn việc làm cho người dân cũng như tạo ra sản phẩm thân thiện với môi trường thông qua chiếc xe đạp tre.
Theo Thanhnien.com.vn