Thăng trầm thú chơi xe đua mô hình trên đất Mỹ
Trong khoảng thời gian vài năm trước và sau Thế chiến thứ II, ô tô đua mô hình chế tạo thủ công từng là một trào lưu lan rộng trên toàn nước Mỹ.
Ngồi bên chiếc bàn gỗ trong bếp của ngôi nhà chỉ cách đường đua nơi những chiếc ô tô mô hình từng tranh tài với vận tốc trên 150km/h khoảng 13km, ông LeRoy Sabbatini bồi hồi nhớ lại thời tham gia đua xe mô hình của mình vào thập niên 40.
Ông cho biết, khi đó ông đã mua chiếc Dooling F nhỏ xíu với giá 25 USD và động cơ giá 35 USD. Vào thập niên 40 thì đó không phải là một số tiền nhỏ, khi mà với 50 USD, bạn có thể mua một chiếc xe Model A đã qua sử dụng làm phương tiện đi lại.
Ông Sabbatini, 72 tuổi, đến nay vẫn còn giữ chiếc Dooling F này. Dài khoảng 45cm, chiếc xe hiện được trưng bày trong một bảo tàng ô tô mô hình thực sự phía sau nhà ông. Nằm cùng kệ với chiếc Dooling F là một loạt xe của các hãng nổi tiếng hồi thập niên 30 và 40, gồm Mathews, Pappina, Alexander, Bremer, Bunch và huyền thoại Barney Korn.
Xe đua mô hình phỏng theo những chiếc xe đua thật thời đó. Chúng có thể chạy với vận tốc rất cao, trên thanh ray bằng kim loại lắp trên những tấm gỗ (có thể cho nhiều xe đua cùng lúc), hoặc trên đường đua vòng tròn, cột bằng dây cáp với trục trung tâm.
Phong trào đua xe mô hình xuất hiện ở Los Angeles (Mỹ) vào cuối thập niên 30, khi dân chơi bắt đầu chế tạo những chiếc ô tô tí hon lắp động cơ máy bay mô hình. Động cơ chạy bằng hỗn hợp cồn, nhớt và xăng.
Một chiếc xe do công ty B. B. Korn chế tạo
Ngay từ thuở sơ khai chúng đã không đơn giản chỉ mà món đồ chơi con trẻ. Ví dụ, chiếc xe đua Indianapolis của công ty B. B. Korn giới thiệu năm 1938 có khung bằng gang chế tạo thủ công, thân bằng nhôm và các trục bánh xe có ổ bi lót bằng cao su.
“Người làm ra những chiếc ô tô này là những nghệ nhân thực sự,” ông Eric Zausner, một nhà sưu tập xe mô hình ở Berkeley, tiểu bang California, nói. Bộ sưu tập của ông hiện là một trong những bộ có giá trị lịch sử nhất tại Mỹ. “Việc dành ra hàng trăm giờ chế tạo thụ công chỉ một chiếc ô tô nhỏ xíu không phải là dễ thấy.”
Ông Eric Zausner bên hai chiếc xe đua mini trong bộ sưu tập của mình.
Với ông Zausner, những chiếc xe nhỏ xíu này chính là dấu ấn thực sự của nước Mỹ, giống như những vòng đu quay ngựa thủ công hay cột chong chóng dự báo thời tiết bằng đồng đỏ. “Chúng phản ảnh một thời kỳ của lịch sử nước Mỹ, khi mà tốc độ và sự cạnh tranh là những điều quan trọng trong văn hoá Mỹ.”
Những chiếc ô tô đua mô hình nhanh chóng tạo được cộng đồng hâm mộ đông đảo ở bộ phận người Mỹ thời hậu Đại suy thoái, những người không có đủ khả năng mua ô tô thật. Vào tháng 4/1939, một cuộc đua chính thức đã diễn ra ở Fresno, tiểu bang California.
Phong trào chơi xe đua mô hình lắng xuống trong thời gian Thế chiến thứ II do chiến tranh gây thiếu nhôm, magiê và cả những người đàn ông trẻ tuổi đầy đam mê. Nhưng sau cuộc chiến, cơn sốt trở lại.
Vào cuối thập niên 40, những chiếc ô tô đua tí hon - khi đó có công suất 5 mã lực - có thể đạt vận tốc trên 240km/h, xuất sắc hơn cả những chiếc xe đua cỡ lớn hay thậm chí là cả xe đua Indianapolis 500.
Đến năm 1949, tại Mỹ đã có hơn 500 câu lạc bộ xe đua mô hình được tổ chức chuyên nghiệp. Hiệp hội ô tô đua mini Mỹ có khoảng 10.000 thành viên. Các đường đua vòng tròn và đua đường ray có ở khắp nơi trên nước Mỹ. Thậm chí còn ra đời những tạp chí chuyên về ô tô đua mini, như Rail & Cable Car News hay Model Craftsman.
“Những chiếc xe chạy quá nhanh nên khán giả khó theo dõi,” ông Zausner giải thích. Thêm vào đó, vì thiết kế chải chuốt hơn, với cabin kín và thân hình giọt nước, những chiếc xe đua mini trông ngày càng giống hình tên lửa. Sự xuất hiện của ô tô mô hình điều khiển từ xa (RC) đã quyến rũ giới hâm hộ rời ra ô tô đua mini.
Nằm im lìm trong các tầng hầm, gác mái và gara, những chiếc ô tô tí hon tốc độ cao nhanh chóng rơi vào quên lãng.
Đến thập niên 80, phong trào chơi ô tô đua mini phát triển trở lại. Các nhà sưu tập đánh giá cao loại xe này bởi đó là hiện thân của thời chế tác thủ công đã xa của nước Mỹ. “Những chiếc xe ra đời khi hầu hết người Mỹ vẫn còn lao động thủ công,” ông Guy Martin, một nhà sưu tập ở Shelton, Connecticut, giải thích.
Đến thập niên 90, phong trào một lần nữa rộ lên, nhưng tập trung vào những chiếc xe tốc độ thật cao. Khi đó, giá xe cũng được đẩy lên cao ngất. Năm 1994, một đại lý ở Florida, ông Kirk White, bán được một chiếc Korn Indy (vào năm 1939, xác xe - không động cơ - có giá 49,95 USD) và một chiếc Korn Meteor với giá hơn 70.000 USD.
Mọi người đều săn lùng ô tô đua mini, trong đó có không ít bác sĩ và luật sư,” ông Bryant nhớ lại.
Những chiếc ô tô một thời nằm phủ bụi khi đó được đem ra lau chùi sạch bóng, sơn lại, lắp vô-lăng giả... Hàng giả cổ cũng bắt đầu xuất hiện.
“Rất khó phân biệt hàng thật hàng nhái,” một nhà sưu tập cho biết.
Ông LeRoy Sabbatini và con trai cũng làm ô tô đua mini, bằng cách đổ nhôm nấu chảy vào khuôn làm theo kiểu dáng một mẫu xe đua Nhật Bản từ những năm 50. Tuy nhiên, ông LeRoy Sabbatini khẳng định: “Đây không phải là một sự sao chép. Chúng tôi tự thiết kế.”