Gia đình 11 năm liền chu du trên ô tô
Đi qua 4 châu lục, cặp đôi Herman và Candelaria Zapp đã trải qua hành trình đáng kinh ngạc gần 230.000 km, trở thành bố mẹ của 4 nhóc: Pampa - 8 tuổi, Tehue - 5 tuổi, Paloma - 3 tuổi, và Wallaby - 1 tuổi.
Ngay cả khi đã có 4 đứa con, hai vợ chồng vẫn không trở về mua một ngôi nhà để ổn định cuộc sống, mà quyết định tiếp tục hành trình vòng quanh thế giới trên 4 bánh xe.
Gia đình Zapp đã có thêm nhiều thành viên trong suốt hành trình. Từ trái sang là bố Herman ôm bé Paloma, anh cả Pampa, mẹ Candelaria bế bé Wallaby, và Tehue cùng chiếc xe cổ Graham-Paige đời 1928 của gia đình vào năm 2009 ở Australia.
Cặp đôi đã gặp không ít trở ngại trong hành trình của mình. Trong ảnh là Herman Zapp đứng trên thuyền giữ thằng cho chiếc Graham-Paige khi qua sông Amazon vào năm 2000.
Chuyên gia IT Herman, 42 tuổi, và vợ, Candelaria, 40 tuổi , khởi hành từ Argentina vào năm 2000, đi xuyên Nam và Bắc Mỹ, tới Australia, New Zealand và hiện nay đang ở châu Á.
Herman sinh ra ở San Francisco (Mỹ), nhưng chuyển tới Argentina làm việc trong trại nuôi gia súc của ông nội từ khi còn nhỏ.
Khi tới Argentina, cậu bé Herman 10 tuổi đã gặp vợ tương lai là Candelaria khi cô mới 8 tuổi. Họ kết hôn năm 1996, khi Herman 27 tuổi.
Khi hết tiền trong chuyến đi đầu tiên, họ đã sống dựa vào lòng tốt của mọi người. Họ được cho mượn lều, cho thức ăn và xăng.
“Chúng tôi hạnh phúc, chúng tôi có mọi thứ mà một cặp vợ chồng trẻ mong muốn, nhưng chúng tôi thấy cần phải đi,” Herman nói.
“Ông tôi biết chúng tôi muốn đi và không bao giờ dừng lại nên ông đã cho chúng tôi chiếc Graham-Paige cũ mà ông dùng cho trang trại và cho chúng tôi vài lời khuyên. Ông nói với tôi rằng, ‘Nếu các cháu muốn đi xa, thì đi chậm thôi,’ vậy thì còn gì tốt hơn một chiếc xe cổ.”
Bản đồ đánh dấu hành trình đầu tiên của gia đình Zapp từ Argentina tới Alaska
Quy tắc nghiêm ngặt duy nhất mà vợ chồng Herman và Candelaria Zapp phải tuân thủ là tốc độ tối đa 65km/h với chiếc xe đã 83 tuổi.
Gia đình Zapp luôn di chuyển, chỉ dừng lại những quãng thời gian ngắn trong suốt hành trình 11 năm.
Họ khởi hành năm 2000 từ Patagonia, Argentina tới Alaska.
Sau khi trở về Argentina vào năm 2004, họ đã nghỉ ngơi, ổn định cuộc sống được vài tuần rồi nhận ra rằng họ nhớ việc di chuyển biết bao. Vậy là gia đình lại lên đường.
Họ đi từ đó tới nay, với hành trình quanh Nam Mỹ từ năm 2005 đến 2007, sau đó là Trung Mỹ, Mỹ và Canada cho tới năm 2009.
Chiếc ô tô của họ được chuyển bằng tàu biển tới Australia, rồi họ tới New Zealand, Nhật Bản và Hàn Quốc. Gia đình hiện có mặt ở Philippines, trong hành trình khám phá Đông Nam Á.
Thời gian lâu nhất của họ đi ở một nước là 13 tháng vòng quanh nước Mỹ vào năm 2008-2009.
Gia đình hiện đang ở Philippines sau khi qua Nhật Bản và Hàn Quốc.
Candelaria Zapp ôm bé Wallaby, Tehue, Pampa và Paloma Zapp ngồi ăn trưa ở miền tây Australia năm 2009.
Một điều thú vị, nhưng không ngạc nhiên, là bốn nhóc của vợ chồng Herman và Candelaria Zapp mỗi đứa mang một quốc tịch. Anh cả Pampa, 8 tuổi, được sinh ở Greensboro, Bắc Carolina (Mỹ); Tehue, 5 tuổi, sinh ở Argentina; Paloma, 3 tuổi, ở Đảo Vancouver, và bé út Wallaby, 1 tuổi, sinh ở Australia.
Đêm đến, gia đình 6 người ngủ ở trong hoặc quanh lều dựng cạnh ô tô, nhưng phần lớn thời gian là ngủ trong nhà người dân địa phương.
“Đây không chỉ là ‘chiến công’ của gia đình tôi, mà còn của 12.000 người đã giúp gia đình tôi trong suốt 11 năm qua,” anh Herman nói. “90% thời gian chúng tôi ở nhà của mọi người. Một lần ở Philippines, chúng tôi đã ở trong nhà của một gia đình chỉ có duy nhất một phòng. Họ chia sẻ với chúng tôi 3 miếng thịt mà họ có, chiếc giường duy nhất của gia đình, và khi chúng tôi đi, họ còn xin lỗi vì không có nhiều hơn để giúp chúng tôi.”
Pampa nằm trên chiếc xe của gia đình vào năm 2002 ở Washington D.C.
Gia đình kỷ niệm kết thúc hành trình đầu tiên từ Argentina tới Alasaka vào năm 2002.
Những đứa trẻ được bố mẹ dạy học trong suốt hành trình, nhờ một dịch vụ trực tuyến cập nhật giáo trình thường xuyên.
Mỗi lần dừng chân và có điều kiện sử dụng máy tính, họ lại in các bài học mới nhất để dạy cho lũ trẻ.
Những đứa trẻ được học thêm từ chính những chuyến đi. Chúng được tận mắt xem kangaroo nhảy, và một chú gấu xám Bắc Mỹ trong môi trường tự nhiên.
“Con tôi học được nhiều thứ tiếng và trải nghiệm nhiều văn hoá khác nhau,” Herman nói.
Trong hành trình đầu tiên từ Arghentina tới Alaska, họ đã in cuốn sách đầu tay - “Dream Chaser” (Người theo đuổi giấc mơ), trở thành cuốn sách bán chạy nhất tại Hội chợ sách quốc tế ở Costa Rica.
Vợ chồng Herman và Candelaria Zapp đã bán được 12.000 bản từ đó tới nay. Cuôố sách thứ hai - “Spark Your Dream” (Thắp sáng giấc mơ), là sách bán chạy nhất Argentina sau khi xuất bản vào năm 2005.
Herman cho biết gia đình anh chưa có kế hoạch kết thúc hành trình.