10 cách giúp xe chỉ tiêu tốn 4,4 lít/100 km
Cắt giảm trọng lượng hay trang bị máy dầu là những cách mà các hãng ôtô đang khai thác để tăng khả năng tiết kiệm nhiên liệu cho xe.
Trong thời gian gần đây, chính phủ Mỹ liên tục khiến các nhà sản xuất ôtô "phát sốt" khi đưa ra những quy định mới về mức tiêu hao nhiên liệu cho xe vào năm 2025. Đầu tiên, chính quyền Tổng thống Obama đặt ra con số mục tiêu là 3,9 lít/100 km và bị các nhà sản xuất ôtô phản đối kịch liệt. Sau đó, con số trên được nâng lên 4,2 lít/100 km nhưng vẫn bị 16 đại diện nghị viện bang Michigan gửi thư bày tỏ sự không đồng thuận. Cuối cùng, chính phủ Mỹ đành phải "chốt sổ" bằng con số 4,4 lít/100 km.
Nhờ đó, chính phủ Mỹ đã nhận được sự ủng hộ từ phía 5 hãng xe lớn, bao gồm General Motors, Ford, Chrysler, Honda và Hyundai. Tất nhiên, nói như vậy không có nghĩa là các hãng xe kể trên cảm thấy việc cắt giảm lượng nhiên liệu tiêu thụ cho xe xuống còn 4,4 lít/100 km là chuyện dễ dàng và có thể thực hiện trong một sớm một chiều. Để đạt được con số đúng như mong muốn của chính quyền Tổng thống Obama, các hãng xe dự kiến sẽ phải kết hợp khá nhiều phương pháp và công nghệ tiết kiệm nhiên liệu. Mới đây, tạp chí Forbes đã liệt kê 10 cách mà các nhà sản xuất ôtô có thể sẽ sử dụng để tăng khả năng tiết kiệm nhiên liệu cho xe trong tương lai.
Cắt giảm trọng lượng
Không phải ai cũng thích lái những mẫu xe subcompact như Ford Fiesta.
Tất nhiên, khi quyết định cắt giảm trọng lượng cho xe, các nhà sản xuất cũng phải tính toán khá kỹ. Không phải khách hàng nào, đặc biệt là người Mỹ, cũng thích lái những chiếc xe subcompact như Ford Fiesta đồng thời từ bỏ những tiện ích mong muốn. Thị trường ôtô tương lai vẫn đòi hỏi những mẫu xe đầy đủ tính năng và có đủ chỗ cho cả gia đình. Thêm vào đó, theo quy luật vật lý, những chiếc xe lớn và nặng bao giờ cũng bảo vệ người sử dụng tốt hơn trong trường hợp va chạm.
Dự kiến, trong thời gian tới, các hãng xe sẽ tận dụng những vật liệu trọng lượng nhẹ như nhựa, nhôm và sợi carbon để cắt giảm trọng lượng. Xe sẽ được thiết kế "đáng đồng tiền, bát gạo" hơn và ứng dụng công nghệ tiên tiến để giúp người lái tránh tai nạn hoặc giảm thiểu chấn thương.
Khi xe chạy ở tốc độ cao, hơn một nửa công suất động cơ được sản sinh đều làm nhiệm vụ vượt qua lực cản gió. Những mẫu xe được thiết kế với hệ số lực cản thấp sẽ cho phép động cơ sản sinh ít công suất hơn mà vẫn duy trì tốc độ cao. Theo Cục Bảo vệ Môi trường Mỹ EPA, chỉ cần loại bỏ giá để hàng trên nóc xe, người lái cũng đã góp phần cải thiện 5% lượng nhiên liệu tiết kiệm. Hiện nay, nhiều dòng xe bán tải, SUV và crossover vẫn giữ kiểu dáng không mấy khí động. Các nhà sản xuất ôtô có khả năng sẽ thay đổi tình trạng trên trong thời gian tới.
Công nghệ tăng áp và phun nhiên liệu trực tiếp
Nhờ những công nghệ mới nhất hiện nay, động cơ dung tích nhỏ không còn thua kém về mặt tốc độ. Kết hợp giữa công nghệ phun nhiên liệu trực tiếp và tăng áp, các nhà sản xuất ôtô đang giúp dòng động cơ dung tích nhỏ trở nên mạnh mẽ đồng thời tiết kiệm nhiên liệu hơn.
Hiện nay, nhiều hãng xe đang áp dụng cả hai công nghệ trên cho động cơ của mình, điển hình như Ford. Với hệ thống phun nhiên liệu trực tiếp và tăng áp, dòng động cơ V6 xuất hiện trên nhiều mẫu xe Ford cũng như Lincoln cỡ lớn tiêu tốn ít nhiên liệu hơn loại V8 trước đây. Bản thân các nhãn hiệu khác như Buick, Hyundai, Kia và Volkswagen cũng chọn động cơ 4 xylanh tăng áp để thay cho loại V6. Trong năm tới, Ford hi vọng sẽ giới thiệu loại động cơ 3 xylanh, tăng áp, phun nhiên liệu trực tiếp, dung tích 1.0 lít trên Fiesta để mẫu xe subcompact "cưng" tiết kiệm nhiên liệu như dòng hybrid.
Honda Odyssey
Tính đến thời điểm hiện tại, nhiều mẫu xe trang bị động cơ V8 của General Motors và Chrysler đã có thể ngắt một nửa số xylanh khi không cần dùng đến, đặc biệt là lúc xe chạy ở tốc độ thấp, từ đó cải thiện 10% khả năng tiết kiệm nhiên liệu. Về phần mình, Honda cũng áp dụng công nghệ này cho dòng động cơ V6 trên Accord sedan cỡ trung và Odyssey minivan. Khi cần, hai thành viên nhà Honda có thể chạy bằng 3, 4 hoặc 6 xylanh. Trong thời gian tới, công nghệ quản lý xylanh biến thiên được kỳ vọng sẽ xuất hiện trên các dòng xe cỡ nhỏ hơn.
Lexus HS 250h
Nhiệm vụ chính của hệ thống stop-start là tự động ngắt động cơ khi xe giảm tốc hoặc dừng lại để tiết kiệm nhiên liệu. Khi người lái nhấc chân ra khỏi bàn đạp phanh, động cơ sẽ hoạt động trở lại. Hiện nay, đã có rất nhiều mẫu xe ứng dụng hệ thống stop-start, đặc biệt là tại thị trường Châu Âu. Theo các báo cáo, hệ thống stop-start có thể tăng 15% khả năng tiết kiệm nhiên liệu cho xe. Đây là động cơ thúc đẩy nhiều nhà sản xuất trang bị hệ thống stop-start cho các dòng xe thế hệ mới. Dự kiến, vào năm 2015, hệ thống stop-start sẽ trở thành cái tên phổ biến trong làng xe thế giới.
Bổ sung một môtơ điện cỡ nhỏ cho động cơ xăng thông thường sẽ giúp cải thiện công suất cũng như cắt giảm lượng nhiên liệu tiêu thụ. Một trong những hãng xe đang áp dụng phương pháp này chính là Buick với phiên bản eAssist của LaCrosse và Regal 2012. Cụ thể, hãng Buick đã kết hợp khối động cơ 4 xylanh, dung tích 2,4 lít, phun nhiên liệu trực tiếp trên hai mẫu sedan đời 2012 của mình với một môtơ điện. Năng lượng vận hành môtơ được bắt nguồn từ cụm pin lithium-ion. Thêm vào đó là hệ thống phanh tái sinh năng lượng và tính năng stop-start dành cho động cơ. Nhờ đó, mẫu sedan cỡ lớn Buick LaCrosse chỉ tiêu tốn lượng nhiên liệu 6,53 lít/100 km xa lộ, tương đương với nhiều thành viên trong dòng xe cỡ nhỏ. So với xe hybrid, những sản phẩm như Buick LaCrosse sở hữu giá thành thấp hơn. Ngoài Buick, còn có Mercedes-Benz và Chevrolet cũng đang để mắt đến phương pháp bổ sung môtơ điện cho hệ dẫn động để tăng khả năng tiết kiệm nhiên liệu của xe.
Đã trở nên quen thuộc trong vài năm trở lại đây, trợ lực lái điện giúp giảm lực cản gió cho động cơ, kéo theo công suất tăng và lượng nhiên liệu tiêu thụ giảm. Ngoài ra, trợ lực lái điện còn mang đến một lợi ích khác, đó là cải thiện phản ứng của cơ cấu lái.
Thường đi kèm với những mẫu xe hybrid, hệ thống phanh tái sinh năng lượng có tác dụng sạc pin bằng nguồn điện thu được trong quá trình giảm tốc hoặc phanh. Không chỉ giúp loại bỏ máy dao điện chạy bằng dây đai thông thường, hệ thống phanh tái sinh năng lượng còn giảm lực cản gió cho động cơ và tăng khả năng tiết kiệm nhiên liệu.
Những loại hộp số nhiều cấp, ví dụ như 8, cũng là một phương pháp tiết kiệm nhiên liệu hiệu quả cho xe. Những cấp số thấp giúp động cơ sản sinh công suất lớn khi xe khởi động. Trong khi đó, những cấp số cao lại đòi hỏi công suất ít hơn loại hộp số tự động 5 cấp điển hình lúc xe chạy ở tốc độ thấp. Chưa hết, còn phải kể đến loại hộp số biến thiên vô cấp vốn sở hữu trọng lượng thấp hơn loại tự động tiêu chuẩn đồng thời góp phần cắt giảm lượng nhiên liệu tiêu thụ.
BMW 335d
Thông thường, máy dầu bao giờ cũng tiêu tốn lượng nhiên liệu ít hơn 20-25% so với động cơ xăng. Chưa hết, máy dầu còn đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe về lượng khí phát thải của xe. Ví dụ điển hình là Volkswagen Jetta TDI với lượng nhiên liệu tiêu thụ chỉ 5,6 lít/100 km xa lộ. So với Toyota Camry Hybrid tiêu tốn 6,72 lít/100 km xa lộ, rõ ràng Volkswagen Jetta TDI có lợi thế hơn. Ngoài ra, còn có thể kể đến BMW 335d vốn "ngốn" 6,53 lít/100 km xa lộ nhưng không hề kém cạnh các thành viên khác trong dòng 3-Series về mặt sức mạnh.