Đằng sau quyết định hạn chế nhập khẩu ô tô
Một số ý
kiến cho rằng, ngoài mục tiêu hạn chế nhập siêu, việc Bộ Công Thương
bất ngờ ra giấy phép con gần như cấm hoạt động nhập khẩu ôtô theo dạng
tự do còn nhằm chấm dứt sự lộn xộn trong việc kinh doanh xe nhập, đảm
bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.
Trên
thực tế nhiều năm trở lại đây, các salon ôtô nhập khẩu tại Hà Nội mọc
lên như nấm sau mưa, tạo thành những “chợ” ôtô lộn xộn, mỗi nơi một giá
khác nhau. Khách hàng bỏ tiền tỉ mua xe cũng phải mua theo kiểu... “mua
đứt, bán đoạn”, không có bất cứ một cam kết nào về các chế độ sau bán
hàng.
Mua đứt, bán đoạn
Thời điểm cuối
năm 2007, đầu năm 2008, nhu cầu mua ôtô tăng mạnh, nhiều doanh nghiệp
đang kinh doanh các ngành nghề khác đã chuyển hướng sang kinh doanh ôtô
nhập khẩu, thậm chí nhiều “cò” ôtô ít vốn cũng tìm cách dồn tiền, vay
mượn gửi cho các doanh nghiệp lớn hơn để nhập “ké” một vài xe về tranh
thủ bán kiếm lời. Cách làm ăn theo kiểu “mùa vụ” này khiến việc có salon
ôtô khai trương rồi lại đóng cửa chỉ sau vài tháng cũng không phải điều
lạ, đã có trường hợp khách hàng sau nửa năm sử dụng mang xe tới salon
đã mua để phàn nàn về chất lượng thì salon này đã “mất tăm”.
Theo
quy định hiện hành, hầu như doanh nghiệp XNK hàng hóa nào cũng có thể
nhập khẩu ôtô, miễn là chiếc xe nhập khẩu đó đạt các tiêu chuẩn an toàn
kỹ thuật và bảo vệ môi trường của ngành Đăng kiểm và đủ các giấy tờ
nguồn gốc theo quy định tài chính. Không có điều kiện nào về quy mô
doanh nghiệp, dịch vụ hậu mãi, nhà xưởng hay mỗi năm phải nhập tối thiểu
bao nhiêu xe dành cho doanh nghiệp.
Thị trường xe nhập có thể ảm đạm trong thời gian tới |
Người tiêu dùng chịu thiệt
Sự cố xe Toyota nhập khẩu bị lỗi chân ga hồi đầu năm 2010 là một ví dụ điển hình nhất. Trong khi khách hàng tại nhiều nước trên thế giới mua xe Toyota bị lỗi đều được các nhà cung cấp, các đại lý bán xe triệu hồi và thay thế chân ga miễn phí, thì khách hàng Việt Nam lại phải loay hoay tự tìm cách giải quyết. Nhiều chủ xe khi mang xe tới hỏi salon bán xe chỉ nhận được những câu trả lời thoái thác trách nhiệm.
Giới kinh doanh ôtô cho biết, đa số những xe ôtô nhập khẩu về Việt Nam đều thuộc diện mua gom từ các cửa hàng bán xe nhỏ lẻ, các đại lý thứ cấp ở nước ngoài. Chính vì thế, khi xảy ra sự cố kỹ thuật hoặc hỏng hóc thông thường thì người tiêu dùng Việt Nam sẽ không nhận được các chế độ bảo dưỡng, bảo hành... chính hãng từ nhà sản xuất. Trong trường hợp này, ngay cả các doanh nghiệp nhập khẩu cũng “mù tịt” những thông tin hỗ trợ khách hàng từ chính hãng.
Điển hình như trường hợp xe Toyota, do các doanh nghiệp nhập khẩu xe Việt Nam không có đơn hàng đặt mua xe từ chính hãng và sổ bảo hành nên không được hưởng các chế độ hỗ trợ, khắc phục sự cố từ nhà sản xuất. Và khách hàng Việt Nam mua xe nhập khẩu không qua nhà phân phối chính thức, khi xe gặp sự cố chỉ còn biết bỏ tiền túi và mang xe tới các gara sửa chữa bên ngoài để khắc phục. Mà các gara sửa chữa bên ngoài (không có linh kiện, phụ tùng thay thế chính hãng, không được tư vấn, cũng không có kinh nghiệm xử lý những tình huống tương tự) sẽ không có cách khắc phục chuẩn như nhà sản xuất.
Không những thế, khách hàng mua xe nhập khẩu cũng rất mất nhiều tiền bạc và công sức khi muốn thay thế phụ tùng chính hãng. Với những dòng xe thông dụng như: Toyota, Honda, Daewoo... thì còn có thể mua phụ tùng từ các liên doanh, nhưng với các loại xe “độc” thì phải “nhờ cậy” chính salon bán xe để đặt mua phụ tùng thay thế với giá “cắt cổ”...
Ông Đỗ Hữu Đức - Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết: “Các quy định của Bộ Công thương là rất cần thiết để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng và đảm bảo ATGT cho phương tiện. Tuy là một thị trường nhỏ bé, nhưng Việt Nam hiện có khoảng 2.000 doanh nghiệp tham gia nhập khẩu ôtô. Trong đó, nhiều doanh nghiệp chỉ nhập vài ba xe/năm. Với kiểu làm ăn như vậy, khách hàng không thể mong nhà nhập khẩu có chính sách hậu mãi, chăm sóc sau bán hàng…” .