Diện tích tối thiểu của cơ sở bảo hành ôtô là 40m2
Theo dự thảo Thông tư của Bộ Giao thông Vận tải, doanh nghiệp nhập khẩu ôtô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống phải có hệ thống bảo hành, bảo dưỡng phù hợp tuỳ theo công suất, quy mô. Diện tích tối thiểu cho một vị trí bảo hành, bảo dưỡng sửa chữa xe con là 40 m2.
Ngày 12/5 vừa qua, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 20 quy định doanh nghiệp nhập khẩu ôtô từ 9 chỗ ngồi trở xuống phải có giấy uỷ quyền phân phối nhập khẩu chính hãng hoặc hợp đồng đại lý chính hãng sản xuất; đồng thời phải có giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ôtô đủ điều kiện do Bộ Giao thông vận tải cấp.
Trong khi quy định về giấy uỷ quyền đang khiến các doanh nghiệp nhập khẩu ôtô "mất ăn mất ngủ" vì gần như chắc chắn họ chẳng thể đáp ứng các yêu cầu của Bộ Công Thương thì cho tới thời điểm này, quy định về giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng vẫn đang nằm ở trong giai đoạn bàn thảo.
Theo dự thảo lần thứ 3 Thông tư Quy định về điều kiện bảo hành, bảo dưỡng của doanh nghiệp nhập khẩu đối với xe ô tô chở người loại từ 9 chỗ trở xuống của Bộ Giao thông Vận tải, các doanh nghiệp nhập khẩu phải xây dựng, tổ chức hệ thống bảo hành, bảo dưỡng với xe ô tô chở người công bố chế độ bảo hành cho từng loại sản phẩm cung cấp ra thị trường; địa điểm bảo hành, bảo dưỡng xe phải bố trí tại các tỉnh, thành phố, nơi doanh nghiệp nhập khẩu kinh doanh xe;...
Vẫn chưa có chốt tiêu chuẩn với cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ôtô. ảnh QT
Về tiêu chuẩn kỹ thuật tối thiểu của cơ sở bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô: diện tích sẽ được quy định cụ thể tùy theo công suất, quy mô cũng như nội dung công việc như vị trí bảo hành, vị trí bảo dưỡng, vị trí sửa chữa và vị trí làm việc. Cụ thể, diện tích tối thiểu cho một vị trí bảo hành, bảo dưỡng xe con là 40 m2; cho một vị trí làm việc sửa chữa các cụm tổng thành là 15 m2; gò, hàn, lốp là 20 m2; diện tích tối thiểu cho một công nhân là 10 m2.
Dự thảo cũng quy định hàng loạt điều kiện về cửa ra vào, hầm sửa xe, vị trí rửa xe, các thiết bị sử dụng trong bảo hành bảo dưỡng. Ngoài ra, dự thảo còn quy định về điều kiện người điều hành phải có bằng tốt nghiệp trung cấp cơ khí ôtô trở lên hoặc phải là thợ cơ khí ôtô bậc 5/7; có ít nhất 01 thợ sửa chữa bậc 5/7...
Đối với các trường hợp cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa ô tô đã được ủy quyền của hãng sản xuất xe hoặc có giấy xác nhận thỏa mãn tiêu chuẩn cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa ô tô của chính hãng đó sẽ được miễn thực hiện việc đánh giá phù hợp tại cơ sở bảo hành, bảo dưỡng của doanh nghiệp nhập khẩu.
Được biết, Cục Đăng kiểm vẫn là cơ quan có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, đánh giá và cấp giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng đối với xe ôtô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống chưa qua sử dụng của các doanh nghiệp nhập khẩu trên cả nước.