Người dùng Việt hết cơ hội mua xe đẹp, xe “độc“
Sau
ngày 26/06/2011, giới mê xe thể thao, xe đẹp, xe “độc” tại Việt Nam có
thể sẽ hết cơ hội được chiêm ngưỡng những chiếc xe hiệu Ferrari, Aston
Martin, Lamborghini, Rolls-Royce, Bentley, Alfa Romeo...“còn zin” cập
cảng về nước.
Ngày 12/5/2011, Bộ Công Thương bất ngờ ban
hành Thông tư số 20 yêu cầu các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô nguyên chiếc
phải nộp bổ sung giấy uỷ quyền là nhà nhập khẩu, phân phối chính hãng
hoặc đại lý chính hãng, cũng như giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo
dưỡng do Bộ Giao thông vận tải cấp. Thông tư bắt đầu có hiệu lực từ ngày
26/06/2011.
Các doanh nghiệp nhập khẩu xe tư nhân cho rằng việc
xin đủ các loại giấy tờ trên là nhiệm vụ bất khả thi, và rằng quyết định
của Bộ Công Thương không khác gì giấy khai tử đối với họ, trong khi đó,
nhiều người tiêu dùng lo ngại rằng thị trường xe nhập sẽ hình thành nên
thế độc quyền của một số ít nhà nhập khẩu chính hãng, từ đó tước đi sự
tự do lựa chọn của họ.
Chưa
thể kiểm chứng được các tác động của Thông tư 20 đối với thị trường xe
trong nước, nhưng có một hệ quả khó tránh khỏi là sự đa dạng của thị
trường ô tô sẽ mất đi, đặc biệt là ở phân khúc xe sang, siêu xe và xe
“độc”.
Rất có thể sau ngày
26/06/2011, đường phố Hà Nội, Sài Gòn và một số thành phố khác sẽ vắng
bóng những chiếc xe hiệu Ferrari, Aston Martin, Lamborghini,
Rolls-Royce, Bentley...đập hộp. Các diễn đàn xe hơi cũng như giới mê
siêu xe sẽ không còn dịp kháo nhau, bàn tán và trầm trồ về những chiếc
xe “hàng độc” cập cảng về nước.
Điều
này hoàn toàn có thể xảy ra, bởi thực tế là nếu như xe nhập khẩu bình
dân gặp khó bao nhiêu thì xe nhập khẩu hạng siêu sang sẽ gặp khó hơn bội
phần.
Việt Nam mặc dù có rất
nhiều siêu xe, từ các siêu xe tính năng vận hành cao như của Ferrari,
Lamborghini hay Aston Martin đến các mẫu sedan siêu sang hiệu Bentley,
Maybach hay Rolls-Royce, nhưng vẫn chưa có đại diện chính thức của hãng
nào ở trong nước – ngoại trừ Porsche.
Siêu xe sẽ khó có cửa về Việt Nam sau ngày 26/06/2011
Ai
cũng biết việc xin làm nhà phân phối ủy quyền của các hãng này không hề
dễ chút nào, phần vì yêu cầu quá cao của các hãng, phần vì không nhiều
nhà nhập khẩu đủ tự tin đứng ra xin làm đại diện. Sự thiếu tự tin này là
điều rất dễ hiểu, bởi liệu có một công ty nào dám chấp nhận chỉ tiêu
bán được 10 chiếc Ferrari, 10 chiếc Lamborghini hay 10 chiếc Rolls-Royce
trong một năm (con số ví dụ) cộng với hàng loạt các yêu cầu về bán
hàng, kỹ thuật...vô cùng khắt khe mà các hãng này đề ra?
Nên
nhớ rằng hiện trong khu vực cũng chỉ có Trung Quốc, Hồng Kông,
Singapore, Đài Loan hay ít hơn nữa là Malaysia mới có đại lý ủy quyền
của các hãng xe siêu sang. Việt Nam rất khó có thể lọt vào danh sách này
một sớm một chiều.
Có một
cách duy nhất có thể mua được siêu xe là người mua phải trực tiếp liên
hệ với hãng bên nước ngoài, hoặc chí ít cũng phải là đại diện trong khu
vực. Đương nhiên quá trình mua xe như vậy đòi hỏi vô vàn thời gian, tiền
bạc và công sức. Mà liệu Bộ Công thương có cho phép người tiêu dùng mua
trực tiếp như vậy?
Với các
mẫu siêu xe mà nhà sản xuất của chúng đã có đại diện chính hãng ở Việt
Nam như Mercedes-Benz SL65 AMG, Chevrolet Camaro SS, BMW M5, Ford
Mustang Shelby GT500..., việc chúng được chính các đại diện này đưa về
nước là điều rất khó xảy ra, bởi thực tế Mercedes-Benz Việt Nam, GM
Daewoo Việt Nam, BMW Việt Nam hay Ford Việt Nam không thể mạo hiểm nhập
về tất cả các mẫu xe của hãng mẹ, nhất là các mẫu xe cao cấp có doanh số
rất thấp như vậy.
Các mẫu xe
bình dân hơn lâu nay có mặt ở Việt Nam với số lượng ít như Alfa Romeo
159, Mazda MX-5, Honda S2000, Ford Mustang, Dodge Challenger, Volvo
XC70...cũng khó có thể được đưa vào danh sách nhập khẩu của các đơn vị
ủy quyền.
Vô hình chung, việc
tậu một siêu xe hay ít nhất cũng là một chiếc xe “khác người” mới 100%
đối với người mua xe sẽ trở thành một việc vô cùng khó khăn. Muốn dễ
dàng và nhanh chóng, không còn cách nào khác là phải tìm mua xe cũ.
Hiển nhiên, không phải ai cũng thích dùng “hàng second-hand”. Thế nên, sự đa dạng của xe Việt Nam sẽ mất đi phần nhiều.