Lắp hộp đen: Không phải chuyện đơn giản!
2011-0603
Chỉ còn một tháng nữa, các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách
theo tuyến cố định có cự ly trên 500 km sẽ phải lắp “hộp đen”. Tuy
nhiên, việc lắp đặt hộp đen trên tất cả các xe theo yêu cầu đúng kỳ hạn
1/7 gần như là nhiệm vụ bất khả thi.
Xe
ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định có cự ly từ 500
km trở lên, xe kinh doanh vận chuyển khách du lịch, xe ô tô kinh doanh
vận tải hàng hóa bằng container không lắp đặt thiết bị giám sát hành
trình (còn gọi là hộp đen) sẽ bị xử phạt từ ngày 1/7/2013.
Đây là nội dung vừa được Chính phủ ban hành tại Nghị định số 33 sửa
đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 34 về quy định xử phạt vi phạm
hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Chờ thiết bị hợp quy
Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Hà Nội cho biết:
Hiện tại các doanh nghiệp thành viên cũng chưa lắp đặt, mới chỉ ký hợp
đồng với nhà cung cấp và lắp thí điểm cho một số ít xe chạy cư ly trên
500km. Bởi, đến thời điểm này, thiết bị nào hợp chuẩn, đơn vị nào kiểm
định, giấy chứng nhận do ai cấp thì chưa rõ ràng. Nếu doanh nghiệp hăng
hái lắp đặt mà cơ quan nhà nước không chấp nhận thì sẽ rất tốn kém cho
doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (Bộ
GTVT) cũng cho biết: Đến nay đã có khoảng 1.000 xe lắp đặt thử “hộp đen”
và đều có những phản hồi tốt. Tuy nhiên, do các văn bản quy phạm pháp
luật của Bộ GTVT ban hành vẫn chưa đầy đủ; ngoài Thông tư 08 về quy
chuẩn thiết bị hộp đen thì vẫn thiếu văn bản hướng dẫn công nhận thiết
bị hợp quy chuẩn. Do vậy, đến thời điểm này chưa đơn vị nào được kiểm
định và cấp giấy chứng nhận hợp chuẩn.
Ông Hùng cho biết thêm, Hiệp hội đã làm việc với các doanh nghiệp
thành viên và kiến nghị họ chờ những đơn vị được chứng nhận hợp quy thì
tiến hành lắp. Vì vậy, việc lắp ‘hộp đen’ đang tạm thời dừng lại và các
doanh nghiệp vận tải đang đợi các đơn vị sản xuất thiết bị được kiểm
định hợp quy.
Đối với những thiết bị đã lắp ráp rồi, Hiệp hội cũng đề nghị Bộ
GTVT không hồi tố, cho phép các doanh nghiệp vận tải tiếp tục sử dụng
trong thời gian nhất định theo quy định của Bộ, để tránh lãng phí cho
doanh nghiệp.
“Cả nước hiện có khoảng 2,5 vạn chiếc container, giá lắp cho 1
chiếc trên xe cỡ khoảng 5 đến 6 triệu, như vậy cũng lên tới trên 100 tỷ,
đó là chưa kể xe khách và các hệ thống quản lý khác. Đây là khoản tiền
rất lớn trong lúc kinh tế của các DN đang khó khăn”, ông Hùng nói.
Chưa phạt nhưng vẫn phải lắp
Theo Nghị định 33/2011/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành, thời hạn
xử phạt xe không lắp hộp đen sẽ được lùi tới ngày 1/7/2013, Tuy nhiên,
chỉ lùi thời gian xử phạt, chứ không lùi lộ trình lắp đặt theo Nghị định
91 là ngày 1/7/2011.
Và trên thực tế, việc không lùi lộ trình trong Nghị định 91, mà chỉ lùi thời hạn xử phạt là gây khó khăn cho doanh nghiệp.
“Các doanh nghiệp muốn đăng kí khai thác tuyến thì phải có giấy
phép kinh doanh, trong đó điều kiện cần thiết là phải có hợp đồng lắp và
nghiệm thu thiết bị giám sát hành trình. Nếu không, khi xin cấp phép
tại các Sở GTVT, Sở sẽ không cấp, hoặc sẽ cấp tạm thời với hạn trong 1
năm. Cả 2 cách giải quyết này đều gây khó khăn, lúng túng cho doanh
nghiệp”, ông Hùng lý giải.
Được biết, Hiệp hội đã kiến nghị Bộ GTVT không chỉ lùi xử phạt, mà
cần lùi cả lộ trình lắp ráp để các nhà cung cấp thiết bị đảm bảo theo
quy chuẩn và các doanh nghiệp có thể lựa chọn thiết bị tốt nhất để lắp
đặt, cũng như có sự cạnh tranh về giá cả.
Ngoài ra, việc khai thác thông tin và hệ thống vận hành của thiết
bị này là rất quan trọng; cần phải có thời gian chuẩn bị, thử nghiệm nếu
không sẽ gây lãng phí lớn cho các doanh nghiệp.
Trong khi đó, phần lớn các doanh nghiệp vận tải trong nước là rất
nhỏ, đặc biệt là các hợp tác xã chỉ khoảng 3 xe thì việc bỏ ra một khoản
kinh phí lớn cho thiết bị quản lý, cán bộ quản lý là rất khó khăn.
“Giờ cũng chỉ còn băn khoăn về chất lượng, có đảm bảo độ tin cậy
không, các doanh nghiệp bỏ tiền ra mỗi xe 5-6 triệu để lắp mà nhân lên
với hàng vạn xe thì số tiền bỏ ra là không hề nhỏ. Do đó, chất lượng cần
phải đảm bảo cho đúng với tiêu chuẩn các cơ quan đã quy định. Hơn nữa
là đảm bảo hiệu quả quản lý cho các doanh nghiệp, các hợp tác xã nhỏ
lẻ”, ông Hùng cho biết.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thủy, GĐ Công ty Cổ phần Duy Minh, đơn
vị sản xuất thiết bị giám sát hành trình cho biết: Hiện nay, các doanh
nghiệp sản xuất cũng như nhập khẩu thiết bị đều đã sẵn sàng, giờ chỉ chờ
Bộ GTVT ban hành quy chuẩn kiểm định, để được kiểm tra. Sau khi quy
chuẩn được ban hành, chắc chỉ khoảng 20 đến 30 ngày là những sản phẩm
được kiểm định đạt tiêu chuẩn sẽ có mặt trên thị trường.
Bà Thủy cho biết thêm, việc triển khai sẽ không thể nhanh được, vì
quá trình lắp đặt cũng phải đảm bảo các doanh nghiệp vận tải hoạt động
bình thường, chỉ có thể lắp khi xe về bãi. Ngoài ra phải triển khai trên
phạm vi cả nước thì không thể nào nhanh được. Nên việc lắp đặt hết tất
cả các xe theo yêu cầu đúng kỳ hạn 1/7 là khó thực hiện.
Theo: Vietnamnet
Các tin khác ::.
Honda Việt Nam tăng giá CRV (06/02)