“Đừng áp điều kiện nước khác vào nước mình“
2011-0607
Xung quanh đề xuất của Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính về thu
phí quyền mua ô tô, xe máy cao gấp 4-10 lần giá trị của xe, Chủ tịch
Hiệp hội ôtô Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, đề xuất trên là bất hợp
lý và không thích hợp ở Việt Nam.
- Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam vừa đề xuất với Bộ Tài chính,
Bộ Giao thông vận tải thu phí quyền mua ô tô, xe máy cao gấp 4-10 lần
giá trị của xe để hạn chế ùn tắc. Xin được hỏi quan điểm của ông về đề
xuất này?
Tôi chưa rõ đề xuất của Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính nhưng một
số nước họ có quy định, mỗi năm chỉ được phép đăng ký bao nhiêu xe ô
tô. Người tiêu dùng nếu có tiền mua thì cứ mua nhưng đến khi đăng ký thì
phải đấu thầu quota quyền đăng ký xe và họ sẽ thu thêm khoản tiền này.
Việc này ở một số nước trên thế giới và Singapore người ta đã làm như
vậy.
Còn với điều kiện của nước ta, nếu áp dụng việc này thì phải tính
toán một cách kỹ càng. Việt Nam hiện đang là một nước "nghèo" về ô tô.
Cả nước mới có hơn 1,8 triệu ô tô nên không thể xem là quá nhiều. Vấn đề
ở đây là do hạ tầng của chúng ta phát triển chưa tương xứng nên nếu bây
giờ lại thêm loại phí quyền mua xe thì là quá bất hợp lý.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội ô tô Việt Nam.
- Lý giải cho đề xuất của mình, Hiệp hội các nhà đầu tư tài
chính cho rằng, họ đề xuất dựa trên cơ sở của một số nước đã áp dụng
thành công trước đó, như Singapore chẳng hạn. Ông nói sao về điều này?
Singapore là một đất nước đất chật người đông nên mình không thể
học tập Singapore được. Tôi đã từng sang Singapore và thấy rằng, việc họ
đang áp dụng không phải là phí quyền mua xe mà là quota đăng ký xe.
Ở đó, một năm họ cho ra khoảng 1000 xe nên phải có việc đấu thầu
quyền đăng ký, ai trả giá cao hơn thì được phiếu đăng ký xe. Còn việc
mua người nào có tiền cứ mua nhưng nếu không đăng ký được thì không được
sử dụng ra đường.
Tuy nhiên, với Việt Nam thì sẽ phải khác. Nước ta không thể có một
quy định riêng cho Hà Nội hay TPHCM được mà phải cho toàn quốc. Hiện nay
nhiều địa phương đang còn rất nghèo nên nếu áp dụng sẽ không phù hợp
với điều kiện chung của đất nước. Nếu ta quy định riêng cho Hà Nội và
TPHCM thì người tiêu dùng sẽ chuyển về các địa phương đăng ký hết nên
không thể áp dụng như ở Singapore được.
Hơn nữa, ô tô và xe máy ở Việt Nam đã đang phải chịu rất nhiều loại
thuế. Nếu nói sự phát triển của ô tô gây ùn tắc thì cả nước mới có hơn
1,8 triệu ô tô nên chưa ăn thua gì. Trong khi đó, riêng thủ đô Seul (Hàn
Quốc) đã có 4 triệu xe, BangKoK (Thái Lan) đã có 3 triệu xe… cho nên so
sánh với các nước, nước ta chưa phải là nước nhiều ô tô. Ở đây chỉ có
vấn đề hạ tầng không theo kịp sự phát triển của ô tô cho nên phải tập
trung vào giải bài toán hạ tầng chứ đừng đưa ra những chính sách hạn chế
như vậy gây ra sự bức xúc cho dân.
- Ông vừa đề cập đến chuyện ô tô, xe máy ở nước ta đã phải chịu nhiều loại thuế. Ông có thể nói rõ hơn về điều này?
Đúng vậy. Ôtô của mình bây giờ thuế nhập khẩu đã rất cao rồi, thuế
tiêu thụ đặc biệt cũng rất cao. Sắp tới nhà nước rất có thể lại thu phí
Quỹ Bảo trì đường bộ, thuế trước bạ cũng đã được nâng lên. Theo dự thảo
của Bộ Tài chính, phí cấp biển đăng ký cũng chuẩn bị tăng cho nên đề
xuất trên cần phải cân nhắc kỹ càng, vì việc phát triển ô tô là quy
luật.
Bức xúc trước vấn nạn ùn tắc giao thông, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính cho rằng
cần thu phí quyền mua ô tô, xe máy gấp 4-10 lần giá trị của xe để giảm ùn tắc.
Hiện nay các khoản tiền chi cho việc sở hữu một chiếc xe ở Việt Nam
đã rất nhiều. Để sở hữu một chiếc ô tô người tiêu dùng ở Việt Nam đang
phải bỏ ra khoản tiền cao gấp 2-3 lần các nước trong khu vực. Ngoài các
mức thuế, người tiêu dùng còn phải bỏ ra nhiều loại phí khác nên để mua
một chiếc ô tô.
Để mua một chiếc ô tô ở Việt Nam người ta có thể mua được 2,5-3 cái
ô tô ở Trung Quốc hoặc Thái Lan. Như vậy, giá đã cao ngất ngưởng, nếu
bây giờ thu quyền mua xe gấp 4-10 lần giá trị của xe nữa thì không hiểu
thu thuế kiểu gì.
- Ông nhận xét gì về sự phát triển của ô tô và xe máy hiện nay ở Việt Nam?
Thực ra sự phát triển của xe máy ở Việt Nam đến nay là quá nhiều
nhưng với mạng lưới giao thông công cộng phát triển chưa tốt như hiện
nay, xe máy vẫn là phương tiện đi lại rất thuận tiện của cán bộ, công
nhân viên và công cụ vận chuyển hàng hóa của người lao động.
Còn nếu nói ôtô cá nhân đã quá nhiều thì cũng không phải nên vấn đề
ở đây phải là phát triển cơ sở hạ tầng, các công trình công cộng chứ
bây giờ cứ “cấm chợ” thì không phù hợp với quy luật.
Theo tôi, khi đề xuất một vấn đề gì chúng ta cũng cần phải cân
nhắc, tính tới điều kiện cụ thể của từng nước chứ không nên áp điều kiện
của các nước khác vào nước mình.
Theo: Vnmedia
Các tin khác ::.
Hướng dẫn thực hiện Thông tư 20 (06/07)