“Với nhiều người, ô tô Camry vẫn chỉ là giẻ rách“
"Đối với người bình thường, có được ô tô đã là sang lắm rồi. Nhưng đối với nhiều người thì có một chiếc ô tô Camry vẫn chỉ là giẻ rách, họ phải đi Maybach, Porche 911 Turbo hay Bentley."- TS Lê Đăng Doanh.
Con số 10 tỷ USD nhập khẩu hàng xa xỉ ở Việt Nam khiến không ít người giật mình. Trong khi những người nghèo, thu nhập thấp lần hồi sống qua ngày thì những người giàu chi không tiếc tiền cho những món hàng siêu sang.
Phóng viên báo Khoa học & Đời sống đã có cuộc trò chuyện với TS Lê Đăng Doanh, nguyên viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế TƯ xung quanh vấn đề này.
Chiếc bếp giá 1 tỷ đồng
Tôi từng vào một siêu thị nội thất trên phố Cát Linh, Hà Nội với đủ các mặt hàng giá cao chót vót và thực sự choáng váng trước chiếc bếp gas có giá gần 1 tỷ đồng. Người giới thiệu các mặt hàng ở đó cho biết, chiếc bếp mới được nhập về từ Italia để thay thế chiếc bếp cũ có giá tương đương đã được bán. Ông nghĩ sao về những chiếc bếp có giá 1 tỷ đồng đó?
TS Lê Đăng Doanh, nguyên viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế TƯ. |
Tôi hoàn toàn hiểu được cảm giác của bạn bởi chính tôi cũng từng choáng khi vào khách sạn Metropole và thấy ở đây bày bán vô số đồ sang trọng. Những đôi giầy, túi xách hàng hiệu có giá vài chục nghìn USD. Chiếc bếp 1 tỷ đồng hay chiếc túi xách vài chục nghìn USD giờ đều được bán rất "chạy" chứ không phải lâu lâu mới "bắt" một khách như ta tưởng.
...và chủ sở hữu của những món đồ đó?
Mọi người đều ngạc nhiên. Họ tưởng những mặt hàng đó không bán cho người Việt Nam vì giá quá cao không thể "xài" nổi. Nhưng thực tế lại toàn bán cho người Việt Nam cả đấy. Còn việc họ mua bằng nguồn tiền nào, mua với mục đích gì... tất nhiên lại là câu chuyện khác.
Ông giám đốc tiêu xài vô tội vạ
Hàng ngoại ồ ạt đổ vào Việt Nam, theo ông nên mừng hay nên lo? Vì sao?
Viện Nghiên cứu Thương mại, Bộ Công Thương vừa đưa ra con số 10 tỷ USD nhập khẩu hàng xa xỉ trong năm 2010. Nhiều ý kiến cho rằng, trong khi thu nhập của người dân còn thấp, người thu nhập cao chiếm số ít thì việc nền kinh tế nhập siêu lên đến 10 tỷ USD hàng xa xỉ được xem là biểu hiện của một thị trường có vấn đề. Tôi cho rằng tỷ lệ nhập khẩu hàng xa xỉ quá lớn là một gánh nặng cho thị trường, góp thêm vào thâm hụt thương mại. Nhưng điều đó cũng phản ánh thực tế là đời sống của người dân Việt Nam đang tăng lên.
Nhưng chúng ta không thể biết cái giàu đó có thực chất hay không?
Chúng ta chưa có thống kê cụ thể đối tượng giàu chiếm bao nhiêu phần trăm dân số. Chúng ta chưa điểm mặt chỉ tên ra được họ là ai, xác định họ có thực giàu hay không... Thế nên mới có chuyện ông giám đốc doanh nghiệp nhà nước tiêu xài vô tội vạ. Chẳng ai biết đó là tiền của cá nhân ông ta hay tiền của doanh nghiệp.
“Với nhiều người, ô tô Camry vẫn chỉ là giẻ rách“
Tâm lý thích chơi trội
Ông quan niệm thế nào là hàng xa xỉ?
Kiếm tiền quá dễ nên tiêu xài phung phí |
"Nhiều người giàu lên một cách nhanh chóng, dễ dàng bằng những cách không bình thường, không minh bạch. Vì kiếm tiền quá dễ nên họ tiêu xài phung phí, chỉ quen dùng hàng hiệu, trong khi đó, những đồng ngoại tệ của ta được chắt chiu từ xuất khẩu gạo, cà phê, thuỷ sản... lại đang phải dùng để chi trả cho những món hàng hạng sang đó. Chúng ta nói năm 2010 nhập siêu 12,6 tỷ USD nhưng thực chất những chiếc xe ô tô siêu sang, điện thoại, laptop "khủng"... đã chiếm số lượng tiền không hề nhỏ trong tổng số 12,6 tỷ USD đó." |
Đối với người nghèo, được ăn một bữa thịt đã là xa xỉ. Nhưng đối với người giàu thì họ coi đó là điều bình thường. Một bát phở 650.000đ, hay trả 10 triệu đồng cho một bữa ăn sáng. Một người giàu nếu không chi tiền cho những việc đó họ sẽ không biết dùng tiền để làm gì. Cho nên "xa xỉ" chỉ là một khái niệm tương đối
Theo ông, người ta đua nhau mua sắm hàng hiệu, hàng ngoại nhập về sử dụng vì chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, hiện đại hay còn vì lẽ gì?
Nhiều mặt hàng ngoại nhập là thành tựu của khoa học kỹ thuật nên đương nhiên nếu được tiếp cận, sử dụng thì không ai là không mê. Nhưng cạnh đó còn có tâm lý thích thể hiện đẳng cấp, thích chơi trội.
Những người có thực tiền đã đành, còn rất nhiều người thu nhập ở mức trung bình cũng sẵn sàng bỏ ra hàng trăm triệu đồng mua đồ nhập ngoại?
Người Việt Nam có nhược điểm là thích đua tranh, hãnh tiến. Người khác dùng hàng hiệu mà mình chưa dùng là cảm thấy thua kém, "quê một cục" nên phải cố cho bằng được. Trong xã hội hiện nay, nhóm người giàu mới nổi tuy thực lực chưa mạnh nhưng cũng sẵn sàng bỏ tiền mua xe xịn, thậm chí vay nợ để mua. Chủ doanh nghiệp mặc dù nợ đầm đìa vẫn "diện" xe sang như thường.
Căn bệnh hình thức
Ông có cho rằng giá trị của một người phụ thuộc vào những món đồ mà anh ta sử dụng?
Theo tôi thì không.
Nhưng ngày nay, mọi thứ dường như có xu hướng chạy theo hình thức. Một người đi chiếc xế hộp sang trọng, xách chiếc túi hàng hiệu, "alo" bằng chiếc điện thoại khủng... sẽ nhận được nhiều cơ hội hơn mặc dù năng lực, trình độ của anh ta có thể hạn chế hơn so với một người đi xe máy và dùng chiếc điện thoại từ đời "ơ kìa"?
Cái dở là ở chỗ ấy. Căn bệnh hình thức này mọi người đều biết nhưng không phải ai cũng tránh được. Cần phải có biện pháp để điều chỉnh hành vi của mỗi người, giúp họ nhận biết đâu là chân giá trị và không chạy theo những thứ hào nhoáng bên ngoài.
Với tình trạng như năm nay thì ông nhận định thế nào về xu hướng nhập khẩu hàng hoá xa xỉ trong những năm tới?
Tôi nghĩ là sẽ tăng.
Không lẽ Việt Nam lại trở thành nước "ăn không ngồi rỗi", chỉ biết nhập khẩu hàng hoá của các nước khác về tiêu dùng?
Nếu chúng ta không có những biện pháp hữu hiệu thì hàng hoá xa xỉ sẽ đẩy cán cân thương mại Việt Nam trở nên bất lợi hơn, thâm hụt dẫn đến khủng hoảng kinh tế.
Theo ông, những biện pháp nào có thể đẩy lui cơn lốc hàng xa xỉ tràn vào Việt Nam?
Chúng ta đã tự do hoá thương mại nên không thể cấm được hàng hoá ngoại nhập. Đưa biện pháp hành chính đối phó với hàng xa xỉ là không thích hợp. Chúng ta có thể đánh thuế cao gấp nhiều lần so với hàng trong nước. Cái này nhiều nước đã làm và rất hiệu quả. Đồng thời, cần kiểm soát thu nhập của tất cả mọi người. Mà muốn kiểm soát được thu nhập thì phải công khai thu nhập, nghiêm cấm việc sử dụng tiền mặt.
Biện pháp trước mắt chúng ta có thể làm là kêu gọi vào đạo đức và tinh thần tiết kiệm của người dân.
Điều này rất khó vì căn bệnh hình thức trở nên quá phổ biến?
Lần đầu tiên sang Mỹ tôi rất choáng trước đám luật sư của đối tác vì họ chơi sang quá. Nhưng người ta đã bảo cho tôi biết rằng họ toàn đi thuê. Thấy "ông" nắm giữ chức vụ mà họ có khả năng kiếm miếng được thì họ thuê "làm hàng" như vậy đấy.
Tại sao ta không chọn loại dịch vụ này thay vì vay nợ đầm đìa để mua sắm xa xỉ?
Kể cả "làm hàng" như vậy thì tôi nghĩ là cũng không nên. Nhưng đúng là làm vậy vẫn còn hơn đi vay nợ đầm đìa để khoe mẽ.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!