Ngành ôtô nội địa thua kém trong phân khúc dưới 9 chỗ
Theo Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp, các loại xe khách và xe tải sản xuất trong nước có tính cạnh tranh cao nhất trên thị trường ôtô Việt.
Xe nhập khẩu lấn lướt
Theo số liệu của Bộ Công an, đến hết 31/12/2010, tổng lượng xe lưu hành trên cả nước là 1.624.406 xe các loại, tăng 113.515 xe hay 7,51% so với năm 2009. Tính cả giai đoạn 10 năm 2001-2010, tốc độ tăng trung bình của lượng xe ôtô lưu hành tại Việt Nam đạt 12,81%/năm (năm 2000, tổng lượng xe lưu hành chỉ dừng ở mức 484.917 xe).
Ông Phạm Văn Liêm, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp cho hay, số lượng xe lưu hành tính trên đầu người hiện nay khoảng 18,7 xe/1.000 dân, tức là chỉ bằng Thái Lan cách đây 15 năm.
Tuy nhiên, số lượng xe do các doanh nghiệp, kể cả 100% trong nước lẫn có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, sản xuất chỉ áp đảo ở xe trên 10 chỗ ngồi với gần 95% và xe tải với khoảng 77%. Còn ở dòng xe dưới 9 chỗ, số lượng xe sản xuất tại Việt Nam chỉ là khoảng 64% và xe chuyên dụng chưa đến 10%. Đơn cử năm 2010, sản lượng của các thành viên thuộc Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) là 112.224 chiếc, trong khi lượng xe nhập khẩu là 53.841 chiếc. Còn trong 5 tháng đầu năm 2011, sản xuất của VAMA đạt 44.966 xe còn nhập khẩu đạt khoảng 26.900 chiếc.
Ở dòng xe dưới 9 chỗ, tuy mang tiếng tới 64% được xuất xưởng tại Việt Nam nhưng các loại xe chủ yếu là lắp ráp đơn giản. Tỷ lệ nội địa hóa trong các sản phẩm này đa phần ở mức thấp, chỉ 10-15%, ngoại trừ Toyota Innova 37%, theo cách tính giá trị của ASEAN.
Bà Đặng Phan Thu Hương, Phó tổng giám đốc Toyota Việt Nam cho hay, vào năm 2005, khi Luật Doanh nghiệp mới được áp dụng đã không đặt ra yêu cầu phải nội địa hóa. Có lẽ vậy mà không nhiều doanh nghiệp ôtô nhiệt tình gia tăng hàm lượng sản xuất tại Việt Nam bởi chi phí đầu tư cũng khá lớn.
Nhập khẩu xe dưới 9 chỗ ngồi có tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 51,65% (Ảnh minh họa)
Ông Phan Đăng Tuất, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp cho biết, doanh nghiệp liên doanh không thực hiện được các yêu cầu của giấy phép đầu tư nhưng không có chế tài nào để xử lý. Tuy nhiên, một nguyên nhân khác cũng khiến tiến trình nội địa hóa không thành công là do chính sách chưa khớp. Điều này cũng được thể hiện qua thực tế tăng trưởng bình quân nhập khẩu xe khá cao, đạt 20,64%/năm về lượng và 23,92%/năm về giá trị trong giai đoạn 2001-2010. Con số này cũng cao gần gấp đôi so với tăng trưởng bình quân sản lượng xe sản xuất trong nước cùng giai đoạn là 11,36%/năm. Trong đó, nhập xe ôtô đến 9 chỗ có tốc độ tăng trưởng bình quân cao nhất đạt 51,65%/năm. Nhập khẩu ôtô tải có tốc độ tăng trưởng không đáng kể chỉ đạt 2,9% và nhập khẩu ôtô trên 10 chỗ là 13,%/năm.
Cũng theo đánh giá của Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp, hiện loại xe khách, xe tải sản xuất trong nước là sản phẩm có tính cạnh tranh cao nhất trên thị trường ôtô Việt Nam, tiếp theo là các loại xe đến 9 chỗ. Đối với dòng xe 4-9 chỗ hạng sang, hầu hết là nhập khẩu. Đây cũng không phải là phân khúc thị trường mà các nhà sản xuất ôtô trong nước hướng tới. Dòng xe từ 4-9 chỗ giá thấp đến trung bình có xu hướng tiêu thụ tăng trưởng nhanh và tỷ trọng lớn cũng là phân khúc thị trường quan trọng và tiềm năng cho các nhà sản xuất lắp ráp ôtô trong nước.
Chờ chính sách ổn định
Dẫu vậy, để các doanh nghiệp quyết tâm đầu tư cho lĩnh vực sản xuất, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa ôtô thì không chỉ có tác động từ hạ tầng giao thông đô thị, thu nhập đầu người, ngành công nghiệp hỗ trợ hay trình độ quản lý sản xuất.
Ông Laurent Charpentier, Tổng giám đốc của Ford Việt Nam cho hay, tại một số nước lân cận Việt Nam, Chính phủ đưa ra các thông điệp rõ ràng, các chính sách và quy định rất cụ thể, liên quan chặt chẽ tới nhau, được thống nhất từ đầu và có tính dài hạn, từ 20 - 30 năm. Khi biết rằng Chính phủ có những chính sách mang tính dài hạn và có định hướng như vậy, các hãng xe hoàn toàn yên tâm tập trung vào sản xuất.
Cũng chia sẻ quan điểm này, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty ôtô Trường Hải cho rằng, việc Bộ Tài chính liên tục thay đổi chính sách về ôtô hiện nay đang làm cho những doanh nghiệp sản xuất ôtô trong nước lo lắng.
Bên cạnh việc đề nghị Chính phủ xem xét lại chính sách thuế ưu đãi
cho các nhà sản xuất linh kiện, phụ tùng trong nước để thực sự hấp dẫn,
thúc đẩy ngành công nghiệp phụ trợ ôtô phát triển, ông Dương cũng cho
rằng, nếu Chính phủ ổn định chính sách về thuế, công ty mới mạnh dạn đầu
tư và kêu gọi các đối tác khác đầu tư vào khu kinh tế Chu Lai, nhằm gia
tăng tỉ lệ nội địa hoá và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.