Doanh nghiệp nhập ôtô bắt đầu ‘thoi thóp‘
Có hiệu
lực từ ngày 26/06/2011, đến nay Thông tư 20 của Bộ Công Thương đã bắt
đầu có những tác động thấy rõ tới thị trường ô tô nhập khẩu. Các doanh
nghiệp ô tô chưa “chết” nhưng chuyển sang giai đoạn hoạt động cầm chừng.
Nhiều mẫu xe nhập đã có biến động mạnh về giá.
Thông tư 20
yêu cầu các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô phải nộp bổ sung giấy ủy quyền
là nhà nhập khẩu, nhà phân phối hoặc đại lý chính thức do đích thân hãng
xe ban hành, đồng thời phải có giấy chứng nhận là cơ sở bảo hành, bảo
dưỡng do Bộ Giao thông vận tải cấp.
Đối với các doanh nghiệp nhập
khẩu ô tô không chính thức, việc đáp ứng được tất cả các yêu cầu nói
trên gần như là nhiệm vụ bất khả thi. Kể từ ngày 26/06/2011, hầu hết các
doanh nghiệp đã phải chấm dứt nhập xe về nước do không thể xin đủ giấy
tờ. Tuy nhiên, thị trường xe nhập không chính thức vẫn tiếp tục hoạt
động nhờ số xe “chạy Thông tư” được đưa về trước ngày 26/06/2011. Đến
thời điểm hiện nay, mảng thị trường này đã có sự phân hóa khá rõ ràng.
Các
doanh nghiệp có tiềm lực vốn mạnh chấp nhận chơi một canh bạc mạo hiểm
khi nhập về một số lượng xe lớn trước khi Thông tư 20 bắt đầu có hiệu
lực. Nhiều doanh nghiệp tiết lộ số xe họ nhập về trong thời gian đó có
thể giúp họ hoạt động đến tận cuối năm. Các doanh nghiệp thuộc nhóm này
không phải chịu nhiều áp lực về việc trả nợ, thế nên đa số đều chọn
phương án “găm” xe, bán dần.
Với các doanh nghiệp dùng tiền đi
vay để nhập xe, hầu hết không đủ lực để duy trì lượng xe lớn trong kho
một cách lâu dài. Trong khi sức bán lẻ có hạn, áp lực trả nợ buộc các
doanh nghiệp này phải bán lại xe cho các doanh nghiệp ô tô khác với giá
thấp hơn giá bán lẻ. Đây chính là nguồn cung xe chủ yếu cho thị trường
xe nhập khẩu không chính thức hiện nay.
Với các doanh nghiệp lâu
nay chỉ kinh doanh xe mua lại từ các nhà nhập khẩu khác, hoạt động kinh
doanh trước mắt vẫn được duy trì. Cho đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có
rất ít doanh nghiệp ô tô chấm dứt hoạt động để chuyển sang lĩnh vực
kinh doanh khác. Theo nhận định chung, số xe luân chuyển giữa các doanh
nghiệp vẫn đảm bảo cho thị trường hoạt động được một vài tháng nữa.
Mới chỉ có rất ít doanh nghiệp nhậu khẩu ô tô đóng cửa
Trong
giai đoạn chuyển giao, khó khăn lớn nhất thuộc về các doanh nghiệp có
xe về muộn. Theo thông tin từ tổng cục Hải quan, kể từ sau ngày
26/06/2011 đến nay, có khoảng vài trăm xe chưa được thông quan hiện vẫn
đang nằm tại các cảng. Số xe này được đặt mua trước khi Thông tư 20 có
hiệu lực nhưng không về kịp hạn chót. Hiện các doanh nghiệp có xe thuộc
diện này vẫn đang nóng lòng chờ đợi ý kiến chỉ đạo từ phía Bộ Công
Thương và Bộ Tài Chính.
Về tương lai của thị trường, câu hỏi được
đặt ra là sau khi số lượng xe nhập trước 26/06/2011 hết, các doanh nhập
khẩu không chính thức sẽ hoạt động như thế nào. Chia sẻ về vấn đề này,
hầu hết các doanh nghiệp thừa nhận rằng họ không có bất kỳ một kế hoạch
nào ngoài việc trông chờ vào một sự thay đổi về chính sách từ phía Bộ
Công Thương, cụ thể hơn là một thông tư mới nới lỏng yêu cầu trong nhập
xe.
Theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp, khả năng này không phải
là không thể xảy ra vì từ trước đến nay, nhiều quy định trong lĩnh vực ô
tô cũng đã được sửa đổi sau khi được áp dụng một thời gian. Niềm tin
này chính là động lực thúc đẩy nhiều doanh nghiệp tiếp tục gắn bó với
thị trường ô tô.
Đối với người mua xe, Thông tư 20 bắt đầu khiến
cho việc mua xe nhập không chính thức khó khăn hơn. Không còn nguồn cung
hoặc nguồn cung ngày một ít đi, các cửa hàng bán xe nhập đã rậm rịch
tăng giá nhiều mẫu xe, nhất là các mẫu không được sản xuất trong nước và
không được nhập khẩu chính thức. Mức tăng phổ biến cho đến thời điểm
này là một vài nghìn USD mỗi chiếc xe so với giai đoạn trước Thông tư
20, các mẫu xe hạng sang thậm chí tăng đến cả chục nghìn USD.
Không
chỉ có vậy, việc mua xe, nhất là những chiếc xe “hàng hiếm” cũng không
còn dễ dàng như trước nữa. Xe hiện vẫn còn để bán nhưng bắt đầu bị “găm
hàng” và ép giá. Tình hình được dự đoán là sẽ trở nên khó khăn hơn khi
số xe còn lại ngày càng ít đi.