Chuyện kể kinh hoàng của những tay đua giang hồ Sài Gòn
“Có lần, tôi xốc một thằng ngã ngựa vào viện. Nó to béo, tôi không nhấc nổi cái chân, đành để thõng quệt xuống đường, đến nơi chân nó chẳng còn tí móng nào", một "quái xế" đình đám kể.
Mã Kim So và những đau thương sau tay lái
Mã Kim So (tức So “gà”) không biết chữ. Sinh năm 1963 tại Bạc Liêu, nhà nghèo nên từ nhỏ Mã Kim So không được đi học. Năm 9 tuổi, So đã theo học sửa xe máy tại tiệm Tân Hải của thầy Âu Lập Tân ở Bạc Liêu. Ngày ấy, phong trào đua xe tại Bạc Liêu rất rầm rộ khi các lò cạnh tranh nhau dữ dội và lò của ông Âu Lập Tân thường thua. So xuất hiện vào trường đua đường phố từ khi ngồi trên xe mà chân chưa chạm đất, So đã đem lại những chiến thắng đầu tiên cho tiệm Tân Hải và trở nên rất nổi tiếng ở Bạc Liêu khi tuổi đời còn rất nhỏ.
Những ngày tháng đua xe giang hồ của Mã Kim So là thời của những chiếc Honda 67. Vì lì lợm và khôn ngoan nên So chiến thắng hầu hết các trận đua xe mà anh tham gia. Hồi ấy, ngoài làm “nài” cho lò xe của mình, anh còn đi đua thuê cho nhiều lò khác. Tiếng tăm của So nổi như cồn đến nỗi ngay cả đêm hôm mưa gió cũng có người gõ cửa thuê làm nài cho lò của họ.
So kể lại: Địa bàn đua xe ngày ấy cũng có nhiều, nhưng thường đua nhất là ở Đường Sơn Quán (Thủ Đức) hoặc Mai Sơn Lãnh (Bình Dương)... Đường đua xe giữa các lò xưa nay đều có quy chuẩn là “cây hai, bốn bẻ cua” (tức là dài khoảng 1,2km và 4 khúc bẻ cua).
Từ một tay đua giang hồ khét tiếng, Mã Kim So giờ đã là một ông thợ sửa xe có uy tín và trách nhiệm nghề nghiệp. |
Theo thầy lên Sài Gòn lập nghiệp, từ những buổi chạy thử xe Honda 67 ngoài xa lộ, anh đã khiến các tay đua thời đó kinh ngạc vì kỹ thuật và sự liều lĩnh của mình trên đường đua. Và kể từ đó, dân đua xe, độ xe ở khắp cả nước không ai là không biết đến Mã Kim So.
Đua xe đường phố cũng đòi hỏi những kỹ thuật cao mà không phải ai cũng làm được. Tuyệt chiêu của So được dân đua rỉ tai nhau là những pha “chẻ gió” cực kì nguy hiểm. Khi đang đua trong tư thế “nằm xòe” và bị đối phương theo sau núp gió, So thường cho xe lao thẳng vào một chiếc xe tải đang chạy rồi đột ngột lượn ra. Tay đua phía sau bất ngờ nhìn thấy chiếc xe tải sẽ cảm thấy cực kì kinh sợ, hoặc phải lao xuống ruộng, hoặc phải tìm mọi cách cho xe dừng lại.
Tôi gặp So ở một tiệm sửa xe khiêm tốn nằm trên ở số 151 Nguyễn Chí Thanh, quận 5, anh kể lại những năm tháng từ yêng hùng trên xa lộ đến khi anh tham gia đường đua chuyên nghiệp. Câu chuyện của So có những kỉ niệm đau thương trong cuộc đời gắn chặt với chiếc xe máy của mình. Hai lần anh đã mất mát trong cuộc đời đua xe giang hồ.
Một đồng nghiệp đua với một lò khác và rủ So cùng ra Vũng Tàu để thử xe. Nhưng anh này đã tự đi một mình rồi tông thẳng vào kè đá trên đường, xương sườn cắm vào phổi và nứt đầu mà chết. Lần thứ hai, So và một người bạn khác cũng thử xe, người bạn thích thể hiện bản lĩnh đã lao lên đâm trúng một chiếc taxi ngã lăn xuống đường, một chiếc xe tải vừa lao tới, cán chết.
Những pha biểu diễn rợn người trong một trận thử xe |
Trực tiếp chứng kiến cái chết thê thảm của hai người bạn, So từ giã đua xe giang hồ. Mã Kim So đã tham gia giải đua xe gắn máy chuyên nghiệp đầu tiên và đoạt giải nhì. Kể từ đó đến nay, anh đạt thêm gần 30 giải thưởng khác. Hiện nay, So đã bắt đầu trở lại đường đua và vừa trở về từ Giải đua xe mô tô các đội mạnh toàn quốc tại Đà Nẵng; nhưng anh hài lòng với cuộc sống của một anh thợ sửa xe có uy tín và lương tâm.
Những câu chuyện khủng khiếp về đua xe Sài Gòn
Không nhiều người biết được rằng từ vài chục năm trước, các tay đua đường phố đã bắt đầu các trận đua xe bằng loại xe Gobel, xe “Máy cày”…
Đua xe đường phố ở Sài Gòn đã có một thời kì “hoàng kim” với loại xe Honda 67. Vì loại xe này chỉ có phân khối nhỏ nên đã được các tay đua xoáy nòng lên gần 50ml. Chiếc xe 50cc ban đầu được nâng lên hơn 80cc. Tuy tốc độ không thể so sánh được với những chiếc xe độ đời mới hiện nay nhưng sự “khô máu” của các tay đua như của Mã Kim So với loại xe này thì cao hơn một bậc.
Đầu trần, chân đất, quái xế biểu diễn một pha "nằm xòe" |
Các loại xe đua theo từng thời kì cũng thay đổi theo từng thời kì, nhưng chủ yếu là do yêu cầu về tốc độ. Sau thời kì của Honda 67 là thời kì của Suzuki Sport 50cc 5 số, loại xe này nếu “núp gió” tốt sẽ đạt được khoảng tốc độ 120km/h. Sau đó là thời của Cosmo 105cc rồi Suzuki Crystal 110 màu bạc (ra đời khoảng năm 1990); loại xe này chở 2 người kéo hết ga, vào số 1 là tự động bốc đầu có thể làm rơi người ngồi sau.
Hai loại Nova, Crystal cũng được dân độ xe quan tâm, nhưng chủ yếu được các đối tượng lưu manh sử dụng để cướp giật, vì khi “núp gió” có thể đạt được tốc độ tối đa 150km/h. Dân đua xe chuyên nghiệp đặc biệt ưa chuộng loại xe “Su mặt qủy” xuất hiện khoảng năm 1995, vì tốc độ lúc xuất phát rất cao. Sau đó, Suzuki RG Sport 110 một thời hùng cứ xa lộ và Yamaha 110 SS cũng là đối thủ ngang ngửa.
Riêng đối với loại xe Suzuki RGV 120, theo các dân chơi xe, nếu gặp thợ độ có kinh nghiệm, khi ra xa lộ có thể đạt tốc độ tối đa 180km/h. Ở loại xe khác, tốc độ còn thấp còn cảm nhận được tay lái, nhưng với các loại xe đời mới vì tốc độ quá cao rất dễ mất lái, dễ té ngã.
Có nhiều loại xe đua, nhưng quan trọng nhất là bản lĩnh của các nài |
Trong thế giới của các quái xế, “nài” đua xe cũng được phân loại trình độ từ thấp đến cao. Để được gọi là nài đúng nghĩa và được kính nể thì phải tính đến chuyện: đã từng “núp gió” bao nhiêu giờ (như thể cách tính giờ bay của phi công) trên bao nhiêu loại xe khác nhau, cầm cờ bao nhiêu độ?
Thủ thuật gian lận trong đua xe của được dân đua rỉ tai nhau: Khi xuất phát, các nài thường có thủ thuật “đề điếm”. Nghe tiếng đếm “một, hai, ba”, các nài đếm thầm cùng nhịp với trọng tài, khi tiếng “ba” chỉ vừa thoát ra khỏ miệng trọng tài, nài “đề điếm” đã nhả côn và sẽ nhanh hơn đối thủ vài chục phần trăm giây, tạo nên một lợi thế lớn.
M., một tay nài từng chinh chiến nhiều năm, nay đã giải nghệ, kể lại: “Có lần, tao chứng kiến một tay đua bị xe tải cán. Về nhà, tao 2 ngày không ăn cơm nổi. Lần khác, tao và thằng bạn gặp một tay đua ngã ngựa, thấy nó nằm thương quá xốc nó vào bệnh viện. Nó khá to lớn, máu me be bét, đã thế nó còn tè ướt quần cả 2 thằng. Đến bệnh viện, nhìn chân trái nó không còn tí móng nào. Hóa ra, lúc chở nó nặng quá, bọn tao không nhấc chân nó lên nổi chỉ níu quần dài nên đường nó mài bay hết móng chân”.
Cuộc chơi của các quái xế bao giờ cũng có rất nhiều thương đau |
“Hãy đặt đam mê vào đúng chỗ”
Theo các tay đua lão làng, những năm trước giải phóng, sân vận động Thống Nhất (TP.HCM) hiện nay cũng đã từng được sử dụng để tổ chức đua xe máy. Năm 1989, giải đua xe máy đầu tiên do nhà nước tổ chức diễn ra ở trường đua Phú Thọ (TP.HCM). 50.000 khán giả vào sân làm cổng chính bị vỡ, khán giả tràn ra cả đường piste khiến cho cuộc đua ấy phải bị hủy bỏ. Cuộc đua trên sân Phan Thiết (Bình Thuận) sau đó cũng bị vỡ vì quá nhiều người muốn tận mắt chứng kiến những tay đua tranh tài. Thời gian đầu, xe đua cũng chỉ là Honda 67, sau đó chuyển sang xe “hai thì” 125 phân khối nên tốc độ xe được tăng lên cao hơn, hấp dẫn hơn.
Đường đua như sân Quân khu 5, Phú Thọ, Cần Thơ, Bình Phước… ngày xưa chỉ làm bằng đất cát. Khi sân vận động Cần Thơ chính thức trở thành lãnh địa của đua xe chuyên nghiệp, đường đua mới được trải nhựa cho các tay đua tranh tài. Các tên tuổi: Mã Kim So, Vũ Trọng Bằng, Nguyễn Văn Quý, Trần Ngọc Sang... cũng từ đó mới được người hâm mộ cả nước biết đến với vai trò vận động viên đua xe gắn máy chuyên nghiệp.
Hiện nay, các giải đua xe vẫn thu hút được rất nhiều người xem, nhưng khi các nhà tài trợ không còn mặn mà thì chuyện cá độ, bắt tay nhau giữa các lò như trong bóng đá đã khiến môn thể thao này mất đi tính thượng võ ban đầu. Các tay đua vì thu nhập thấp nên nhiều người cũng bỏ nghề.
Một pha biểu diễn của quái xế |
Đua xe chỉ hấp dẫn khi nó là một môn thể thao chuyên nghiệp và được những người chuyên nghiệp thực hiện. Những vận động viên đua xe đã được rèn luyện bài bản hoặc đã trải qua rất nhiều kinh nghiệm. Các tay đua từng một thời đua xe ăn tiền cũng chia sẻ: ngày họ đua xe đường phố, họ cũng chọn những cung đường không có dân cư sinh sống để thử xe hoặc tổ chức đua xe chứ không phải tổ chức đua xe, lạng lách, đánh võng và tụ tập đến hàng ngàn người gây tắc nghẽn giao thông như các trận “bão đêm” bây giờ.
Một số yêng hùng muốn trở thành vận động viên đua xe gắn máy chuyên nghiệp đã từng xin vào các đội để chạy thử; đến khi chạy và ngã vài lần thì sợ xanh mặt và xin bỏ cuộc luôn.
Đã từng trải qua những phút kinh hoàng và có rất nhiều bản lĩnh dày dặn trên đường đua nhưng khi ra đường thấy các tay “quái xế” chạy xe lạng lách, đánh võng nẹt pô, bốc đầu, Mã Kim So cũng cảm thấy kinh sợ. Anh bức xúc: “Dù những người mê tốc độ đang thiếu sân chơi, nhưng “bão đêm” chỉ là trò của những kẻ non nớt, vô công rồi nghề. Hãy biết đặt đam mê của mình đúng chỗ, đừng vì những ham muốn thích thể hiện mà làm ảnh hưởng đến sự bình yên của xã hội, sinh mạng của bản thân và những người vô tội”.