Phí chồng phí trên đầu ôtô
Bản dự thảo hoàn chỉnh về xây dựng đề án Quỹ bảo trì đường bộ của Tổng Cục Đường bộ nêu lên 3 phương án thu phí. Trong đó, mặc dù xếp thứ tự là "phương án 2" nhưng Tổng Cục cho rằng phương án nêu trên có nhiều ưu điểm hơn cả và nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN) cấp trực tiếp sẽ giảm dần.
Theo đó, việc thu phí sẽ thực hiện trực tiếp theo đầu ôtô; từ NSNN cấp gián tiếp qua thuế nhập khẩu xăng, dầu diezel (tức thu qua phí xăng dầu) và cấp bổ sung trực tiếp cho đủ nhu cầu vốn bảo trì đường bộ. Các trạm thu phí hoàn vốn dự án BOT vẫn thu theo quy định của hợp đồng BOT.
Tổng Cục Đường bộ tính toán, nguồn thu trực tiếp từ đầu xe ô tô là 4.467 tỷ đồng. Đề xuất mức thu qua xăng dầu là 1.000 đồng/lít xăng thông thường, 330 đồng/lít dầu diezel.
Ngoài các nguồn thu trực tiếp từ đầu ôtô, NSNN cấp qua ấn định một phần trong thuế nhập khẩu xăng dầu như trên, phần giá trị còn lại kinh phí ngân sách nhà nước cấp trực tiếp hàng năm cho đủ nhu cầu vốn bảo trì đường bộ sẽ là 1.968 tỷ đồng (trong đó ngân sách Trung ương 1.072 tỷ đồng, ngân sách các địa phương 896 tỷ đồng).
Tổng Cục Đường bộ khẳng định việc chọn phương án thu phí này có nhiều ưu điểm, trong đó cơ bản là thay thế được phương thức thu phí sử dụng đường bộ qua trạm bằng phương thức thu mới hiệu quả hơn, công bằng hơn; có thể huy động sự đóng góp của xã hội thông qua thuế nhập khẩu xăng dầu một cách hợp lý để cùng với ngân sách nhà nước cấp đủ vốn cho bảo trì đường bộ. Công tác tổ chức thu đơn giản, không bị thất thu, chi phí tổ chức thu thấp. Đây là phương án đang được một số nước trên thế giới áp dụng.
Ngoài ra, khả năng tự cân đối của quỹ là sau khoảng 2 năm đi vào hoạt động thì nguồn NSNN cấp bổ sung trực tiếp cho Quỹ bắt đầu giảm dần, dự kiến sau năm thứ sáu kể từ khi quỹ đi vào hoạt động sẽ không cần đến nguồn ngân sách nhà nước cấp trực tiếp cho bảo trì đường bộ.
Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất của phương án kể trên khi thực hiện thì đối tượng là môtô, xe máy hay một số ngành, lĩnh vực sử dụng nhiên liệu xăng dầu nhưng không tham gia giao thông đường bộ vẫn phải chịu khoản phí để dành cho bảo trì đường bộ.
Cùng với đó, việc dừng thu ngay các trạm thu phí theo phương án sẽ tạo khó khăn nhất định cho Nhà nước về sắp xếp lại lao động và xử lý tài sản thu phí.
Nguồn thu phí trực tiếp trên đầu phương tiện ô tô, mô tô, xe máy là 5.987 tỷ đồng. Nguồn thu từ ngân sách nhà nước cấp bao gồm: thu qua tỷ lệ phần trăm trên giá xăng dầu với mức 1.000 đồng/lít xăng và 170 đồng/ lít dầu diezel, sau khi tính vào giá bán xăng, dầu thì tỷ trọng phí bảo trì đường bộ chiếm 4,48% giá bán xăng và 0,8% giá bán dầu hiện nay. Số phí thu được là 4.396 tỷ đồng.
Ngân sách nhà nước cấp bổ sung cho đủ nhu cầu vốn bảo trì đường bộ: phần giá trị còn lại kinh phí ngân sách nhà nước cấp trực tiếp hàng năm cho đủ nhu cầu vốn bảo trì đường bộ sẽ là 1.817 tỷ đồng; bao gồm ngân sách trung ương 990 tỷ đồng, ngân sách các địa phương 827 tỷ đồng.
Phương án 3: Thu trực tiếp từ đầu phương tiện cơ giới đường bộ; từ ngân sách nhà nước cấp bổ sung trực tiếp cho đủ nhu cầu vốn bảo trì đường bộ. Đến năm 2015 sẽ dừng thu các trạm thu phí nộp NSNN, các trạm thu để trả vay theo Văn bản 3170 và các trạm đã bán quyền thu phí; các trạm thu phí hoàn vốn dự án BOT vẫn thu theo Hợp đồng BOT.
Số phí bảo trì đường bộ dự kiến thu được năm đầu khi Quỹ đi vào hoạt động từ các phương tiện cơ giới đường bộ khoảng 5.987 tỷ đồng. Để đáp ứng đủ ngay nhu cầu vốn cho bảo trì đường bộ, hàng năm ngân sách nhà nước sẽ cấp bổ sung cho Quỹ số kinh phí là 6.213 tỷ đồng (trongđó ngân sách trung ương 3.407 tỷ đồng, ngân sách các địa phương 2.806 tỷ đồng).