Chính quyền Obama trước sức ép bán vũ khí cho Đài Loan
2011-0707
Chính quyền của Tống thống Mỹ Obama hiện đang chịu hai luồng sức ép từ các nghị sỹ quốc hội xung quanh hợp đồng bán máy bay chiến đấu F-16 cho Đài Loan. Một trường phái ủng hộ vì muốn tăng cường liên minh và vì lợi nhuận quốc phòng, còn một trường phái phản đối do lo ngại sẽ tác động xấu tới quan hệ Mỹ - Trung đang trên đà cải thiện.
Sức ép và tranh cãi hiện nay liên quan đến hai đề xuất. Một đề xuất tìm cách nâng cấp 145 chiến đấu cơ F-16 mẫu cũ hơn đang được không quân Đài Loan sử dụng. Một đề xuất khác liên quan đến việc bán 66 chiếc F-16 mới hơn và hiện đại hơn cho Đài Loan.Quyết định cuộc chơi này sẽ là việc cân đối lợi ích giữa các khoản lợi nhuận béo bở của ngành công nghiệp quốc phòng, vấn đề chính trị nội bộ ở Đài Loan và các quan hệ ngoại giao không chỉ giữa Mỹ và Trung Quốc và còn giữa Trung Quốc với Đài Loan.
Sức ép từ quan hệ đồng minh và lợi nhuận quốc phòng
Năm 1979 Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh và cũng vào thời điểm đó Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật quan hệ với Đài Loan trong đó có điều khoản yêu cầu chính quyền nước này cung cấp vũ khí để đảm bảo khả năng phòng thủ của Đài Bắc. Đạo luật này thường được các nghị sỹ Mỹ viện dẫn để bảo vệ quan điểm của mình trong việc gây sức ép lên chính quyền Tổng thống Obama bán vũ khí cho Đài Loan. Các Thượng nghị sỹ Mỹ cho rằng, nếu không bán thêm các máy bay chiến đấu F-16 mới cho Đài Loan, hòn đảo này sẽ mất dần khả năng tự vệ trước sự lớn mạnh của quân đội Trung Quốc.
Thượng nghị sỹ John Cornyn, người đi đầu trong nhóm ủng hộ nỗ lực tăng cường khả năng phòng thủ cho Đài Loan nói rằng: “Sự thay đổi cân bằng quân sự giữa hai bờ eo biển đang làm tăng nguy cơ xung đột có khả năng kéo theo sự tham gia của Mỹ”. Ông này còn yêu cầu tổ chức một cuộc bỏ phiếu toàn Thượng viện trong phiên xác nhận William J. Burns làm Thứ trưởng Bộ ngoại giao tới đây để tạo sức ép đẩy nhanh việc bán F-16 cho Đài Loan. Năm ngoái cũng chính Thượng nghị sỹ Cornyn đã đề xuất một sửa đổi yêu cầu Bộ ngoại giao đưa ra báo cáo đánh giá xem liệu không quân Đài Loan có cần đến chiến đấu cơ phản lực hay không.
“Trong khi chính quyền còn chia rẽ về yêu cầu bán F-16 cho Đài Loan, ngày càng xuất hiện dấu hiệu cho thấy Đài Loan rất cần phải khôi phục cân bằng quân sự và đạt được khả năng tự bảo vệ trước sự trỗi dậy của Trung Quốc”, một thượng nghị sỹ đảng cộng hòa bang Texas đồng thời là ủy viên Ủy ban quân vụ thượng viện Mỹ nói.
Chủ tịch Ủy ban quân vụ Hạ viện, đảng viên đảng cộng hòa bang California, ông Howard McKeon cũng ủng hộ việc bán 66 chiến đấu cơ F-16 C/D mới cho Đài Loan vì cho rằng không lực của hòn đảo này đang giảm sút.
Ngày 26/5 một nhóm gồm 45 thượng nghị sỹ thuộc cả hai đảng đã gửi một bức thư lên Tổng thống Obama bày tỏ “sự quan ngại sâu sắc về mất cân bằng quân sự giữa hai bờ Eo biển” đồng thời thúc giục bán 66 F-16 mới cho Đài Loan. “Đài Loan rất cần máy bay chiến đấu chiến thuật mới”, lá thư viết: “gần 70% phản lực cơ chiến đầu của Đài Loan sẽ hết hạn sử dụng trong thập kỷ tới”.
Ngoài vấn đề quan hệ đồng minh Mỹ - Đài Loan thì lợi ích của các công ty sản xuất thiết bị quân sự cũng đang tạo một sức ép không nhỏ lên chính quyền Obama.
Một báo cáo của tập đoàn tài chính có trụ sở ở bang Texas cho biết, việc bán các F-16 mới do công ty con của Lockheed Martin ở Bethesda sản xuất sẽ mang lại lợi nhuận 8,7 tỷ USD cho các nhà thầu chính và phụ tại 44 bang trên khắp nước Mỹ. “Hợp đồng nếu được thực hiện cũng sẽ tạo ra trên 86.664 việc làm”, báo cáo trên nhận định. Lockheed đã thông báo với các quan chức chính phủ Mỹ rằng nếu không có các đơn đặt hàng F-16 mới như đề xuất bán vũ khí cho Đài Loan, tập đoàn này có thể sẽ phải đóng cửa tất cả hoặc một phần dây chuyền sản xuất của mình.
Lo ngại rạn nứt quan hệ Mỹ - Trung
Lần cuối cùng Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan là một hợp đồng năm ngoái trị giá 6,4 tỷ USD gồm các hệ thống chống tên lửa Patriot, trực thăng, tàu quét mìn và các thiết bị truyền thông. Hợp đồng này sau đó đã khiến Trung Quốc ngưng mọi quan hệ quân sự với Mỹ.
Trong hai đề xuất nêu trên, việc bán các máy bay chiến đấu F-16 mới hơn, dự kiến trị giá 8,7 tỷ USD, sẽ làm các quan chức Trung Quốc tức giận nhất. Trung Quốc tuyên bố Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình và xem sự hẫu thuẫn quân sự của Mỹ cho hòn đảo này như một sự xâm phạm vào công việc nội bộ.
Trong tuần này, phát ngôn viên Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ Vương Bảo Đông đã cảnh báo việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan sẽ mang lại những thách thức cho quan hệ của Washington với Bắc Kinh. “Mỹ nên kiềm chế trước một vụ mua bán như vậy”, ông này nói: “để đà phát triển hòa bình tích cực ở hai bờ Eo biển Đài Loan và phát trển quan hệ Mỹ - Trung không bị gián đoạn”.
Các quan chức quốc phòng Mỹ cũng cho biết chính quyền Obama đang trì hoãn bất cứ một thương vụ bán vũ khí mới nào cho Đài Loan để tránh làm đảo ngược quan hệ quân sự với Bắc Kinh vốn đã bị Trung Quốc cắt đứt hai lần trong ba năm qua. Các quan hệ mới được nối lại gần đây trong chuyến thăm Mỹ của Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, tướng Trần Bỉnh Đức. Một số quan chức của chính quyền Mỹ phản đối bán vũ khí cho Đài Loan dựa trên chính sách kêu gọi thiết lập quan hệ quân sự gần gũi hơn với Trung Quốc như cách để xây dựng lòng tin với một cường quốc châu Á đang trỗi dậy.
“Dự kiến, chính phủ Mỹ sẽ đưa ra quyết định chính thức về việc này trong vòng vài tháng tới. Chính quyền Tổng thống Obama chắc chắn không muốn thấy hợp đồng mua bán vũ khí này trở thành vấn đề trong cuộc vận động tranh cử tổng thống nhiệm kỳ 2,” ông Lâm Ngọc Phương, thành viên của Ủy ban Quốc phòng Quốc hội Đài Loan dự đoán.
Theo: Minh Phạm (Bee, Washington Times, Washington Post)
Các tin khác ::.
Toyota Camry 2012 sắp ra mắt ? (07/07)
Lexus dự kiến trình làng dòng CX (07/06)