Aston Martin: Phát triển trên nền tảng công nghệ cũ
Nhãn hiệu xe sang Aston Martin vốn nổi tiếng qua loạt phim James Bond muốn bảo vệ sự độc lập của mình bằng cách vắt kiệt lợi nhuận từ công nghệ già cỗi.
Nhà sản xuất đến từ Anh với mẫu xe bán chạy nhất là Vantage trị giá 113.400 USD dự định phát triển thêm những sản phẩm mới dựa trên cơ sở gầm bệ đã 8 năm tuổi. Có thể nói, thiếu vốn là vấn đề lớn nhất đối với nhãn hiệu Aston Martin khi không có sự hỗ trợ từ những tập đoàn mẹ khổng lồ như Volkswagen của Lamborghini và Fiat của Ferrari.
Aston Martin không có "Mạnh Thường Quân" hỗ trợ phía sau như nhiều nhãn hiệu khác.
Nếu các nhãn hiệu nổi tiếng khác đều có tập đoàn mẹ hỗ trợ về mặt tài chính với những khoản đầu tư khổng lồ cho quá trình phát triển xe và công nghệ thì Aston Martin lại phải chật vật tự mình sống sót. Điển hình như Daimler, tập đoàn mẹ của Mercedes-Benz, với kế hoạch đầu tư hẳn 5 tỷ EUR (khoảng 7,1 tỷ USD) vào quá trình nghiên cứu và phát triển trong năm nay. Đây là con số lớn gấp 8 lần so với tổng thu nhập 509 triệu bảng Anh (khoảng 830 triệu USD) trong năm tài khóa 2010 vốn kết thúc vào ngày 31/3 vừa qua của Aston Martin.
Bên cạnh đó là tập đoàn BMW hiện đang sở hữu trong tay nhãn hiệu Rolls-Royce và MINI. BMW dự định xây một nhà máy chuyên để sản xuất vật liệu sợi carbon trọng lượng nhẹ dành cho dòng xe điện tương lai khi nhu cầu mua xế "xanh" ngày càng tăng. Ngoài ra, BMW còn phát triển những mẫu xe dẫn động cầu trước đồng thời mở rộng nhãn hiệu MINI với hai tân binh coupe và roadster.
Thay đổi chóng mặt
"Trong 10 năm tới, chúng ta sự chứng kiến nhiều thay đổi hơn nữa trong ngành công nghiệp ôtô", ông Ian Robertson, giám đốc bán hàng của BMW, phát biểu trong một sự kiện tại Frankfurt.
Sự độc lập có thể là nguy cơ tiềm ẩn đối với các hãng xe nhỏ. Ví dụ điển hình là nhãn hiệu Saab của Thụy Điển vốn bị GM bán vào tháng 2/2010. Hồi tháng 4 vừa qua, Saab đã phải ngừng dây chuyền sản xuất vì thiếu tiền. Hiện nay, Saab vẫn đang tích cực tìm kiếm nguồn đầu tư và thỏa thuận với các nhà cung cấp để tái khởi động dây chuyền lắp ráp xe vào cuối tháng 8.
Những hãng xe lớn có thể duy trì tính cạnh tranh cho các nhãn hiệu con bằng cách dàn trải chi phí sản xuất. Fiat hiện nay đang sở hữu Maserati, Alfa Romeo và Ferrari. Trong khi đó, đại gia đình Volkswagen lại đông đúc hơn với Audi, Lamborghini, Bentley, Porsche... Nhờ Volksawgen, Porsche có thể trở thành một nhãn hiệu cao cấp hơn. Lamborghini Gallardo và Audi R8 cùng chia sẻ cơ sở gầm bệ. Về phần mình, Bentley Continental Flying Spur và GT lại dựa trên nền tảng của Volkswagen Phaeton. Tất cả những chiến lược đó đều giúp các tập đoàn tiết kiệm chi phí cũng như thời gian sản xuất.
Thiết kế tương tự
Dòng sản phẩm của Aston Martin mang thiết kế cơ bản giống nhau trong nhiều năm qua.
"Bấy lâu nay, dòng sản phẩm của Aston Martin vẫn mang thiết kế cơ bản giống nhau và cũ rích", ông Ian Callum, nhà thiết kế từng khai sinh DB9 hiện đang làm việc cho Jaguar Land Rover, phát biểu. "Một số người vẫn khăng khăng khẳng định, nếu không hỏng thì chẳng việc gì phải sửa. Tuy nhiên, đã đến lúc Aston Martin phải thay đổi để đi lên".
Trong thời gian tới, Aston Martin vẫn bắt đắc dĩ phải dùng cơ sở gầm bệ quen thuộc của mình để chế tạo những mẫu xe mới và đắt tiền hơn, điển hình như Zagato trị giá 330.000 bảng Anh dự kiến bắt đầu có mặt trên thị trường vào năm 2012.
Giá bán cao hơn
Giá bán trung bình của dòng xe Aston Martin trong năm 2010 đã tăng 49%.
Chiến lược đó đã đẩy giá bán trung bình của dòng xe Aston Martin lên 104.000 bảng Anh vào năm ngoái, tương đương mức tăng 49% từ con số 70.000 bảng vào năm 2007. Để cắt giảm chi phí và thời gian phát triển, Aston Martin phải tái sử dụng công nghệ và lấy động cơ từ Ford. Đây là chiến lược đảm bảo tỷ lệ lợi nhuận 20% cho Aston Martin, gần gấp đôi con số 10,7% của Mercedes-Benz trong quý II/2011.
"Chúng tôi không sai lầm trong quá trình áp dụng kỹ thuật sản xuất", ông Hanno Kirner, giám đốc tài chính của Aston Martin, khẳng định. Trong năm tài khóa 2010, Aston Martin đã bán được 4.299 xe.