Doanh nghiệp tự do bị cụt đường “làm ăn”?
2011-0706
Một chiếc xe cũ nhập về Việt Nam tới đây sẽ phải chịu hai loại
thuế - thuế tuyệt đối và phần trăm. Trong khi hiện tại, ô tô đã qua sử
dụng nhập khẩu chỉ chịu thuế suất tuyệt đối.
Các doanh nghiệp, salon ô tô nhập khẩu tự do lại phải ngỡ
ngàng khi nghe quyết định tăng thuế nhập khẩu đối với ô tô đã qua sử
dụng. Bởi nghịch lý mà biểu thuế này mang lại là giá nhiều loại xe cũ
lại cao hơn cả xe mới. Hơn thế nữa, doanh nghiệp tự do coi như hết đường
"làm ăn".
Một chiếc xe cũ nhập về Việt Nam từ ngay 15/8 sẽ chịu 2 loại thuế - thuế tuyệt đối và phần trăm.
Ảnh: Đông Nhiên.
Nghịch lý
Theo quyết định số 36 do Thủ tướng ký ban hành mới đây, chỉ có hai
dòng xe cũ là dung tích xi-lanh dưới 1,0 lít và từ 1,0 lít đến dưới 1,5
lít là giữ nguyên cách tính thuế tuyệt đối với các mức lần lượt là 3.500
USD và 8.000 USD một xe. Còn lại, các dòng xe từ 1,5 lít trở lên áp
dụng cách tính thuế mới, tăng mạnh so với hiện hành.
Các dòng xe dưới 9 chỗ ngồi dung tích xi lanh từ 1,5 lít đến dưới
2,5 lít sẽ chịu thuế suất phần trăm đúng bằng thuế xe mới nguyên chiếc
có cùng chủng loại, cộng thêm thuế tuyệt đối tương đương 5.000 USD mỗi
xe. Tương tự, các dòng xe có dung tích xi lanh từ 2,5 lít trở lên sau
khi áp thuế theo mức của xe mới nguyên chiếc, rồi cộng thêm thuế tuyệt
đối 15.000 USD.
Các doanh nghiệp, salon ô tô nhập khẩu tự do khi nghe quyết định
mới này thì hết sức ngỡ ngàng, có vị giám đốc doanh nghiệp còn thốt lên:
"Tính thuế như vậy thì nhiều loại xe cũ giá còn cao hơn xe mới, đúng là
chuyện xưa nay mới có!"
Ông Nguyễn Đình Quang, Giám đốc salon ô tô Hòa Bình trên đường
Nguyễn Văn Cừ cho hay, đúng là giá cả các loại xe cũ mới sẽ đảo lộn khi
áp biểu thuế nhập khẩu mới đối với ô tô cũ. Có không ít loại xe cũ khi
về đến Việt Nam, giá sẽ ngang bằng, thậm chí cao hơn xe mới cùng chủng
loại. Chẳng hạn, một chiếc xe Toyota Camry LE dung tích 2.4 lít, phiên
bản 2008 đã qua sử dụng, do Nhật - Mỹ sản xuất, khi nhập về Việt Nam,
theo biểu thuế hiện hành thì có mức thuế áp (thuế nhập khẩu tuyệt đối)
là 15.000 USD. Cộng thêm thuế Tiêu thụ đặc biệt (50%) và thuế GTGT
(10%), giá xe sẽ ở mức hơn 51.000 USD, chưa tính các chi phí khác của
doanh nghiệp nhập khẩu.
Thế nhưng, tính theo biểu thuế mới áp dụng từ ngày 15/8, chiếc xe
đã qua sử dụng trên sẽ phải đóng thuế nhập khẩu là 16.000 USD x 82% +
5.000 USD (thuế tuyệt đối) = 18.120 USD. Như vậy, sau khi cộng thuế Tiêu
thụ đặc biệt và thuế GTGT, giá xe sẽ tăng lên hơn 56.000 USD. Trong khi
đó, một chiếc xe mới 100% cùng loại nhập khẩu về Việt Nam giá chỉ
54.000 USD. “Như vậy, theo cách tính thuế mới, giá xe cũ nhập khẩu còn
cao hơn xe mới cùng loại. Vậy ai còn muốn mua xe cũ làm gì”, ông Quang
nói.
Cũng theo ông Quang, với cách tính thuế suất mới, thường các loại
xe đã qua sử dụng hạng sang và siêu sang sẽ có thuế suất thuế nhập khẩu
vượt mức 100% và cao hơn nhiều so với xe chưa qua sử dụng cùng loại. Các
mẫu xe siêu sang như Maybach, Rolls-Royce, Bentley, việc tính thuế mới
có thể khiến giá xe tăng thêm tới 300.000 - 500.000 USD mỗi chiếc. Tiếp
đến là các dòng xe sang như Audi, Lexus, Mercedes với mức tăng khoảng
vài chục nghìn USD.
Doanh nghiệp “tiến thoái lưỡng nan”
Trước đó, khi Thông tư 20 của Bộ Tài chính về siết ô tô mới nhập
khẩu được ban hành, giới kinh doanh xe tự do đã nghĩ đến phương án
chuyển hướng sang nhập khẩu xe cũ. Tuy nhiên, hơn một tháng sau đó,
Chính phủ lại tiếp tục đưa ra quy định tăng thuế nhập khẩu đối với ô tô
cũ bằng việc áp thêm thuế suất phần trăm đúng bằng thuế xe mới nguyên
chiếc cùng chủng loại.
Anh Nguyễn Đức Nam, Giám đốc Salon ô tô Nhật Anh trên đường Cầu
Giấy tính toán, “có khi chúng tôi chuyển hướng sang nhập các dòng xe cũ
hạng nhỏ, dung tích dưới 1,5 lít, thì thuế nhập khẩu không bị ảnh hưởng
mấy”.
Sở dĩ anh Nam tính như vậy vì theo bảng tính thuế mới, đối với xe
dung tích dưới 1,0 lít, mức thuế nhập khẩu tuyệt đối hiện hành là 3.000
USD, còn mức thuế mới áp dụng sau 15/8 là 3.500 USD. Còn xe dung tích từ
1,0 đến 1,5 lít, mức thuế tuyệt đối là 7.000 USD, thuế mới là 8.000
USD. Như vậy, với loại xe có dung tích động cơ dưới 1,5 lít, mức tăng
thuế nhập khẩu tuyệt đối từ ngày 15/8 không nhiều, và cũng không phải
chịu thêm phần thuế tính theo phần trăm như xe mới, nên giá sẽ không
tăng đáng kể.
“Tuy nhiên, đây là dòng có ít sự lựa chọn trên thị trường, hiện chỉ
phổ biến một vài mẫu, như Daewoo Matiz hay Kia Morning, mà những mẫu
này nếu xe cũ thì rất kén khách, thậm chí không ai mua. Nên suy đi tính
lại, chúng tôi thấy hầu như không còn hướng xoay nào khác với ô tô cũ”,
Giám đốc Salon ô tô Nhật Anh nói.
Thị trường ô tô cũ, mới thời điểm này khá ế khách, không hề có hiện tượng tranh mua để chạy thuế.
Ảnh: Đông Nhiên.
Bàn về một hướng kinh doanh sắp tới, với cả hai phân khúc thị
trường xe nhập mới nguyên chiếc và xe đã qua sử dụng, anh Nam cho hay,
doanh nghiệp đã kịp nhập về 60 chiếc xe mới từ thị trường Hàn Quốc và
Trung Đông trước thời điểm 26/6 (thời điểm Thông tư 20 có hiệu lực).
“Lúc đó, chúng tôi đứng trước bài toán sống còn, không biết nên
tranh thủ nhập xe về hay không. Nếu chần chừ một vài hôm thì e rằng lô
xe nhập về sẽ qua ngày 26/6. Và tôi quyết định nhập hàng, còn nhập về
bán được hay không thì giờ tôi mới tính đến”.
Thực tế, theo anh Nam cũng như đa số doanh nghiệp kinh doanh ô tô,
cả tháng nay thị trường ô tô rất ế ẩm. Không hề có hiện tượng khách hàng
chạy đua mua xe vì sợ sắp tới ô tô sẽ tăng giá. Lô hàng anh nhập về vẫn
để đấy, trong khi lãi suất ngân hàng thì ngày một chồng chất, khiến anh
“khá đau đầu và căng thẳng thời điểm này”.
Một quản lý của Công ty CP thương mại và dịch vụ ô tô DNT cho biết,
những chiếc xe siêu sang xuất hiện tại thị trường Việt Nam chủ yếu là
xe đã qua sử dụng, chứ rất ít xe mới. Trước đây, doanh nghiệp thỉnh
thoảng lại có đơn đặt hàng xe siêu sang đã qua sử dụng và kiếm lời kha
khá. Nhưng sắp tới giá xe cũ loại này sẽ tăng chóng mặt nên sẽ chẳng ai
tìm đến. “Chúng tôi cũng định liều nhập về một vài chiếc xe hạng sang cũ
trước thời điểm 15/8 để chạy thuế, nhưng lại không dám. Vì thường những
loại xe quá đắt này, khi khách hàng đặt trước thì chúng tôi mới dám
nhập về”.
Còn anh Lê Du Huy, Giám đốc Công ty CP đại lý ô tô LDH, quản lý
salon ô tô LDH tại số 379 Giải Phóng, cho biết, hiện những doanh nghiệp
kinh doanh xe tự do như chúng tôi rơi vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng
nan” khi không còn hướng hoạt động nào khác, mà đóng cửa cũng không phải
dễ.
Hiện, công ty anh thuê mặt bằng là một tòa nhà 4 tầng có diện tích
sàn 140 m2, ở số 379 Giải Phóng. Tiền thuê nhà một tháng là 4.000 USD,
đóng trước từng năm một, còn hợp đồng thuê nhà thì tới 5 năm. “Nếu bây
giờ chúng tôi ngừng hoạt động thì lỗ nặng, vì salon khai trương chưa
được một năm, tiền đầu tư vào cơ sở hạ tầng, sửa sang, trang trí mặt
bằng, gara bảo dưỡng hết hơn một tỷ đồng, cộng với tiền thuê nhà đóng
trước một năm gần một tỷ đồng. Trong khi từ đầu năm đến giờ, thị trường ô
tô trầm lắng, chúng tôi vẫn chưa lấy lại được vốn đầu tư. Vậy nên chúng
tôi rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan”.
Cũng vì không quyết định được nên ngừng kinh doanh hay vẫn tiếp tục
hoạt động mà salon ô tô Đông Hải trên đường Giải Phóng đã phải dẹp bỏ
một cửa hàng, chỉ để lại một cửa hàng bên cạnh, nhằm đỡ được khoản tiền
thuê mặt bằng tốn kém. Số lượng nhân viên ở đây cũng như ở salon ô tô
LDH cũng đã bị cắt giảm khá nhiều, và việc này chưa dừng lại ở đây.
Còn đại diện salon ô tô GP trên đường Giải Phóng cho hay, thời điểm
này bán một chiếc ô tô hạng trung giá khoảng 30.000 – 40.000 USD cũng
chỉ lãi khoảng 600 – 800 USD. Nhiều doanh nghiệp không dám liều mình ôm
hàng, tranh thủ nhập xe trước thời điểm 26/6. Thế nên khi có khách hỏi
mua xe, nếu doanh nghiệp này không còn dòng xe đó, thì lại a lô cho
doanh nghiệp khác để hỏi mua. “Các cửa hàng cứ mua bán luân chuyển vậy,
cũng chỉ mong hưởng chênh lệch 100 USD mỗi chiếc xe là quý lắm rồi, cuối
cùng khách hàng vẫn là người chịu giá cao nhất”, vị này nói.
Theo: Autovina
Các tin khác ::.
Đến lượt siêu xe "kêu cứu" (07/05)
Kỹ sư Lê Văn Tạch được tôn vinh (07/05)