Rắc rối mới khi nhập khẩu xe đã qua sử dụng
Doanh nghiệp nhập khẩu xe đã qua sử dụng có thời gian và quãng đường sử dụng ngắn lâu nay vẫn được cơ quan Hải quan cho phép nhập và tính thuế như với xe mới. Kể từ sau khi Thông tư 20 của Bộ Công Thương có hiệu lực, việc đòi hỏi giấy phép nhập khẩu chính hãng như xe mới với xe này tỏ ra không hợp lý, trong khi cũng không thể áp dụng quy định của xe đã qua sử dụng.
Theo Công văn ngày 4/7/2011 của Công ty TNHH XNK Đệ Nhất Auto (Hà Nội) gửi tới Bộ Công Thương, ngày 24/6/2011, công ty có nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký nhập khẩu theo chế độ cấp phép tự động cho lô hàng gồm 05 chiếc xe du lịch hiệu Kia Morning đã qua sử dụng (gồm có 04 xe sản xuất năm 2011, đã được đăng ký, sử dụng và huỷ đăng ký tại Hàn Quốc và 01 xe sản xuất 2010). Đến ngày 28/6, công ty có nhận được thông báo bằng điện thoại của Bộ Công Thương về việc phải bổ sung Giấy chỉ định/ Giấy ủy quyền là nhà nhập khẩu, nhà phân phối của chính hãng cho 04 xe Kia Morning đã qua sử dụng, sản xuất năm 2011 với lý do 4 chiếc xe này không được coi là xe ô tô đã qua sử dụng do đó thuộc đối tượng điều chỉnh bởi Thông tư số 20/2011/TT-BCT ngày 12/05/2011 của Bộ Công Thương.
Liên
quan đến vấn đề này, ngày 24/6, Bộ Công Thương có công văn số
5628/BCT-XNK gửi Tổng cục Hải quan khẳng định: “Việc nhập khẩu các loại
xe ô tô đã qua sử dụng phải theo đúng quy định tại Thông tư liên tịch
số 03/2006/TTLT-BTM-BGTVT-BTC-BCA ngày 31 tháng 3 năm 2006 của Bộ Giao
thông vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Thương mại, Bộ Công an hướng dẫn việc
nhập khẩu ô tô chở người dưới 16 chỗ ngồi đã qua sử dụng, trong đó lưu ý
đến các căn cứ để xác định ô tô đã qua sử dụng”.
Lâu nay, xe đã qua sử dụng có thời gian và quãng đường sử dụng ngắn vẫn được nhập và tính thuế như xe mới.
Tuy
nhiên, Thông tư 03 nêu trên quy định “Ô tô đã qua sử dụng là ô tô đã
được sử dụng, được đăng ký với thời gian tối thiểu là 6 tháng và đã chạy
được một quãng đường tối thiểu là 10.000 km (mười nghìn) tính đến thời
điểm ô tô về đến cảng Việt Nam”. Trong khi đó, Thông tư 20 lại chỉ áp
dụng với ô tô chở người loại từ 09 chỗ ngồi trở xuống chưa qua sử dụng,
Vì
thế hiện nay, Thông tư 03 không quy định việc nhập khẩu các chủng loại
xe ô tô dưới 16 chỗ ngồi đã được đăng ký, sử dụng và hủy đăng ký tại
nước ngoài trước khi được làm thủ tục xuất khẩu thương mại về Việt Nam
nhưng lại có thời gian đăng ký dưới 6 tháng và cây số đã chạy dưới
10.000 km.
Thực tế trong thời gian qua, loại xe này khi nhập
khẩu đều được hiểu và thể hiện bằng văn bản là xe đã qua sử dụng (trên
khai báo của doanh nghiệp, trên kết quả kiểm hóa cũng như tên gọi trên
hệ thống của cơ quan Hải quan, trên biên bản kiểm tra cũng như kết quả
kiểm tra của cơ quan Đăng kiểm…). Sự khác biệt ở đây là cơ quan Hải quan
áp dụng chính sách thuế (thuế suất, giá tính thuế) cho loại xe này như
xe mới 100%; cơ quan Đăng kiểm cấp phép lưu hành cho loại xe này là 18
tháng (thời gian được cấp phép lưu hành đối với xe đã qua sử dụng là 12
tháng, chưa qua sử dụng là 30 tháng).
Theo trình bày của công ty Đệ nhất Auto, việc Bộ Công Thương yêu cầu phải xuất trình giấy tờ theo quy định tại Thông tư 20 là trái với quy định tại Thông tư này, chẳng khác nào cấm nhập khảu xe qua sử dụng và trái với cam kết của Việt Nam. Mặt khác, theo thông lệ tại Việt Nam và quốc tế, xe ô tô đã đăng ký sử dụng mặc nhiên được coi là xe ô tô đã qua sử dụng và không có một thương nhân nào trên thế giới được cấp Giấy chỉ định/ Giấy ủy quyền là nhà nhập khẩu, nhà phân phối của chính hãng cho loại hình kinh doanh xe ô tô đã qua sử dụng bởi xe được mua lại từ các tổ chức/ cá nhân là chủ sở hữu xe, khi đó các hãng sản xuất chỉ còn nghĩa vụ bảo hành (nếu có) chứ không thể áp đặt bất cứ quyền gì đối với khách hàng.
Trao đổi với VnMedia, đại diện Vụ Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết Bộ sẽ xem xét trả lời vụ việc này bằng văn bản.