Hyundai và Kia: Cạnh tranh bất chấp tình anh em
Theo người trong cuộc, Hyundai đối xử với Kia "như các đối thủ khác trong ngành công nghiệp ôtô".
Xe Hyundai và Kia thường xuất xưởng từ cùng nhà máy, sử dụng linh phụ kiện giống nhau và trong nhiều trường hợp còn theo đuổi các nhóm khách hàng tương tự. Tuy nhiên, trên thực tế, xe Hyundai và Kia vẫn được sản xuất từ những nhãn hiệu khác nhau với suy nghĩ và hành động độc lập. Theo hai nhãn hiệu xe Hàn Quốc, dù có chung tập đoàn mẹ nhưng họ vẫn hoàn toàn tách biệt với nhau.
Trong khi đó, phát ngôn viên Jim Trainor tiết lộ, Hyundai đối xử với Kia "như các đối thủ khác trong cùng ngành công nghiệp ôtô".
Như đã biết, tập đoàn Hyundai, công ty mẹ của hai nhãn hiệu trên, hiện đang sản xuất rất nhiều mặt hàng khác nhau, từ xe hơi, thép đến tàu chở dầu trên biển. Năm 1998, tập đoàn Hàn Quốc đã mua lại công ty Kia bị phá sản. Đây cũng là lúc tập đoàn ôtô Hyundai Kia ra đời.
Dù Kia và Hyundai luôn khẳng định sự độc lập của mình nhưng dòng sản phẩm của hai hãng lại có nhiều điểm tương đồng. Ví dụ điển hình là Hyundai Santa Fe và Kia Sorento. Xuất xưởng từ cùng nhà máy của Kia đặt tại West Point, bang Georgia, Mỹ, hai mẫu xe chỉ chênh nhau 650 USD về giá bán.
Về sau, người tiêu dùng càng khó nhận ra nét khác biệt giữa dòng sản phẩm của Hyundai và Kia. Bản thân Hyundai cũng tham gia vào phân khúc xe thể thao với một số sản phẩm như Genesis Coupe và Veloster.
Có thể nói, mối quan hệ giữa Hyundai và Kia khá phức tạp. Cả hai nhãn hiệu đều có đội ngũ tiếp thị, phân phối và thiết kế riêng nhưng lại cùng phát triển cơ cấu kỹ thuật đồng thời thử xe tại trung tâm Namyang của Hyundai đặt ở Hwaseong, Hàn Quốc. Tại đây, không có sự phân biệt về nhãn hiệu Hyundai và Kia giữa 8.000 nhân viên.
"Trong hệ thống vận hành của tập đoàn có rất nhiều điểm thừa thãi", ông Park cho biết. "Thế nhưng, cả hai vẫn đưa ra được những quyết định chung".
Bên cạnh đó, yếu tố họ hàng cũng đóng vai trò quan trọng. Ông Chung Eui Sun, con trai duy nhất của chủ tịch Hyundai Chung Mong Koo, đã giữ chức giám đốc điều hành Kia từ năm 2005-2008. Vào năm 2009, ông Eeui Sun chuyển sang vị trí phó chủ tịch Hyundai. Dù bị tù treo 3 năm vì tội tham nhũng vào năm 2007 nhưng ông Chung Mong Koo vẫn được giữ ghế chủ tịch Hyundai.
Cuộc đấu tranh giữa tập đoàn Hyundai và chính phủ Hàn Quốc cũng như
những vấn đề về lao động tại xứ sở kim chi đã nhiều lần ảnh hưởng đến kế
hoạch sản phẩm của Hyundai-Kia. Theo ông Park, việc sáp nhập hai nhãn
hiệu và dây chuyền cung cấp ôtô của họ là một quá trình kéo dài cả thập
kỷ đồng thời tốn rất nhiều công sức. Tuy nhiên, "trong vòng 3-4 năm qua,
liên minh Hyundai-Kia đã bắt đầu mang lại lợi ích cho tập đoàn".